(HNM) - Để học sinh không bị bớt xén thời gian nghỉ hè, nhiều năm qua ngành Giáo dục đã ban hành các văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Nhìn vào thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của học sinh cũng như phụ huynh, không chỉ trong dịp hè mà suốt cả năm học. Thế nhưng, việc lạm dụng dạy thêm, học thêm đang gây ra áp lực đối với học sinh và những hệ lụy khiến dư luận quan tâm.
Xét ở góc độ tích cực, việc học thêm xuất phát từ ý muốn chủ quan của phụ huynh khi lo ngại rằng sau hơn 2 tháng nghỉ hè các con mải chơi sẽ quên kiến thức. Vì thế, học thêm sẽ giúp các con - nhất là các em học lực “yếu” - củng cố, bổ sung kiến thức. Nhiều gia đình còn tìm đến việc học thêm để nhờ thầy cô dạy dỗ, quản lý con em mình trong thời gian nghỉ hè. Trên cơ sở đồng thuận với phụ huynh, việc dạy thêm sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập, cơ hội để nắm bắt rõ hơn năng lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp với đối tượng.
Thế nhưng, ở khía cạnh khác thì việc dạy thêm tràn lan, cũng bị lạm dụng, đang làm xấu đi hình ảnh việc dạy và học. Theo quy định, các trường học chỉ được tổ chức các lớp ôn tập văn hóa cho học sinh sau ngày 1-8-2019 trên cơ sở tự nguyện, không được dạy trước chương trình. Dù ở trường không dạy thêm, nhưng phụ huynh vẫn có thể đăng ký cho con học ở các trung tâm văn hóa hay những điểm dạy thêm của chính giáo viên. Có cầu ắt có cung, nên hoạt động dạy thêm, học thêm ở ngoài trường vì thế rất khó kiểm soát. Đặc biệt là tình trạng phân biệt đối xử giữa học sinh học thêm với học sinh không học thêm đã diễn ra, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, có một bộ phận phụ huynh không xuất phát từ nhu cầu thực tế của con em mà đua chen theo xu hướng của xã hội, ép con mình đi học thêm quá nhiều, quá tải, dẫn đến không hiệu quả mà còn gây ra áp lực, căng thẳng khiến các em không được tận hưởng một kỳ nghỉ hè thực sự.
Để học sinh không còn bị áp lực học thêm - không chỉ trong mùa hè này - thì rất cần một giải pháp căn cơ, toàn diện cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, ngành Giáo dục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyên môn như đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp. Cùng với ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức buộc học sinh phải đi học thêm, thì việc thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh là rất cần thiết.
Đối với các cấp quản lý và tổ chức xã hội cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời những bất cập phát hiện trong hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh tình trạng biến các trung tâm văn hóa là "sân sau" của giáo viên, nhà trường. Đối với gia đình và học sinh cần có ý thức rõ về học lực của con em mình, không tạo áp lực về thành tích học tập và chạy đua thành tích một cách không khoa học, không thực tế và cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích việc tham gia học thêm.
Việc thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ giúp học sinh có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa trước năm học mới. Và để làm được điều đó, trước hết cần sự thay đổi trong suy nghĩ, hành động của mỗi phụ huynh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.