(HNM) - Để phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhằm duy trì tăng trưởng, các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã đẩy mạnh và chuyển hướng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ mới.
*Kinh nghiệm và lợi thế
Nước Mỹ và khu vực châu Âu vốn nổi tiếng bởi các thương hiệu công nghệ toàn cầu, song nói về sự phát triển nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu không thể không nhắc đến sự trỗi dậy của một số quốc gia châu Á. Hàn Quốc, Trung Quốc là những ví dụ cụ thể. Hàn Quốc là đất nước xây dựng thành công các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. 3 công ty công nghệ mũi nhọn là Samsung Electronics, LG Electronics, SK Hynix không chỉ đạt doanh thu trên 300 tỷ USD, mà còn giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế và khoa học công nghệ nước này. Trung Quốc cũng đã đầu tư mạnh cho các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn như Huawei, Xiaomi. Các doanh nghiệp này sở hữu công nghệ lõi, từng bước chiếm lĩnh lại thị phần smartphone nội địa vốn trước đó thuộc về Samsung và Apple (Samsung trước dẫn đầu, nay chỉ còn chưa đến 1% thị phần smartphone nội địa ở nước này).
Hệ thống dữ liệu giữ vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. |
Với Việt Nam, tại hội thảo về internet kết nối vạn vật thông minh do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 10-2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu định hướng cần tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ nền tảng (chiếm khoảng 5%). Trong đó, các công ty lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup, CMC có tiềm năng công nghệ và tài chính, cần đầu tư nhiều, cần đầu tư trước. Thực tế thì các doanh nghiệp này đã, đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ nền tảng. Tập đoàn FPT tuyên bố định hướng tập trung phát triển trí tuệ nhân tạo; Viettel và VNPT đều công bố chuyển hướng từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang cung cấp dịch vụ số dựa trên việc phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, thực tế ảo...). Đáng chú ý, vốn từ doanh nghiệp bất động sản - thương mại, Tập đoàn Vingroup đã thực hiện bước ngoặt đầu tư vào công nghệ, trong đó xác định tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và sản xuất phần mềm; xây dựng mô hình của thung lũng Silicon (Mỹ) tại Hà Nội...
Lý giải về việc chuyển hướng mạnh cho công nghệ, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chỉ ra 3 nguyên nhân. Đó là bắt nguồn từ doanh thu và lợi nhuận của các nhà mạng đang bị giảm (khoảng 1%/năm). Thứ hai là do thay đổi từ nhu cầu người dùng, vì điện thoại vốn chủ yếu là nghe gọi, dữ liệu, nhưng theo xu hướng được sử dụng nhiều cho các nhu cầu khác như thanh toán, mua sắm, giao thông..., mà như vậy phải dựa trên các nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ ba, nhà mạng phải chuyển đổi môi trường kinh doanh nhằm đáp ứng kỳ vọng về môi trường làm việc mới giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng quan điểm này, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cũng cho biết, VNPT tập trung làm chủ các công nghệ lõi để tham gia tích cực vào việc chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, chính quyền số, doanh nghiệp số, công dân số.
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ
Trở lại câu chuyện các thương hiệu công nghệ toàn cầu như đã đề cập ở trên, cuối năm 2018 Huawei đã “qua mặt” Apple để đứng vị trí số 2, còn Samsung đứng vị trí số 1 về thị phần smartphone trên toàn cầu. Vậy, từ bài học của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Trung Quốc như đã nêu, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông để phát triển các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn. Vì sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới, đồng thời hình thành các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực khoa học công nghệ như câu chuyện của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể tư vấn cho Chính phủ chọn ra 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn để thúc đẩy phát triển. Những doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn được lựa chọn phải sở hữu những công nghệ, sản phẩm nổi trội, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn toàn cầu. Cùng với đó, Chính phủ cần tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Cụ thể, đó là chính sách cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp cận tín dụng. Hiện nay, chính sách tín dụng truyền thống đang áp dụng tại các ngân hàng Việt Nam chỉ phù hợp với các lĩnh vực có tài sản hữu hình (như bất động sản, thương mại), mà chưa có thuận lợi cho các hoạt động liên quan đến công nghệ - vốn có đặc thù riêng, khó định giá. Vì vậy, ông Nguyễn Tử Quảng đề xuất, Chính phủ chỉ định một số ngân hàng đầu tư, thương mại như Ngân hàng Phát triển Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để tháo gỡ vướng mắc về tín dụng. Cách làm này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh chiếm thị phần từ các thương hiệu công nghệ toàn cầu và kéo theo các doanh nghiệp khác phát triển. Tương tự, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Viettel kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ mới (hiện được các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... áp dụng). Đồng thời, Chính phủ cần có một số chính sách về mua sắm công để bảo vệ thị trường trong nước, nuôi dưỡng nghiên cứu sản xuất trong nước phát triển.
Được biết, các ý kiến này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan để xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.