(HNM) - Giải vô địch đấu kiếm quốc gia năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội đã chứng kiến sự tiến bộ của lớp vận động viên trẻ, có thể thay thế lớp đàn anh tham gia các giải đấu quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực giúp đấu kiếm Việt Nam tự tin hoàn thành mục tiêu đề ra tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, diễn ra vào năm 2021 ở Việt Nam (SEA Games 31-2021).
Tín hiệu mừng từ lứa vận động viên trẻ
Giải vô địch đấu kiếm quốc gia năm 2020 vừa kết thúc (diễn ra từ ngày 21 đến 27-11-2020) được coi như cuộc rà soát, đánh giá năng lực các vận động viên để chuẩn bị cho các giải quốc tế, nhất là SEA Games 31-2021.
Tại giải đấu này, giới chuyên môn đã chứng kiến một cuộc “lật đổ”, khi vận động viên trẻ Nguyễn Phương Kim (sinh năm 1999) đã vượt qua kiếm thủ kỳ cựu Nguyễn Thị Như Hoa (sinh năm 1984) để giành Huy chương vàng nội dung kiếm 3 cạnh. Hay như Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1998) đánh bại Hạ Thị Sen (sinh năm 1983), giành Huy chương đồng kiếm 3 cạnh... Trong khi đó, cả Nguyễn Thị Như Hoa và Hạ Thị Sen đều là những vận động viên số 1 khu vực ở nội dung này. Ngoài ra, Vũ Thành An - kiếm thủ số 1 của Việt Nam vẫn giữ phong độ, khi giành Huy chương vàng nội dung kiếm chém và Nguyễn Minh Quang giành Huy chương vàng kiếm liễu...
Nhận xét về thành tích của các vận động viên trẻ, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển đấu kiếm quốc gia, Trưởng bộ môn Đấu kiếm Hà Nội - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, những gương mặt vận động viên trẻ như Nguyễn Phương Kim hay Nguyễn Thị Trang chính là thế hệ chủ lực ở các kỳ SEA Games sắp tới. “Trang và Kim là lứa vận động viên được đào tạo từ 8 đến 10 năm, dự kiến chuẩn bị cho SEA Games 32-2023. Song, các em đã sớm khẳng định được trình độ, cho thấy sự chuyển giao thế hệ đang đi đúng hướng và là tín hiệu đáng mừng”, huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn nói.
Còn theo ông Phùng Lê Quang, Quản lý bộ môn đấu kiếm (Tổng cục Thể dục - Thể thao), lứa vận động viên trẻ này chính là lực lượng giúp đấu kiếm Việt Nam tự tin giành lại vị thế số 1 khu vực ở bộ môn kiếm ba cạnh - một trong những nội dung danh giá của đấu kiếm, tại đấu trường SEA Games 31-2021 tới đây.
Tích cực chuẩn bị lực lượng
Đấu kiếm Việt Nam đã giành hàng chục Huy chương vàng tại các kỳ SEA Games, từng giành vé tham dự Olympic. Chính vì vậy, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã đặt mục tiêu cho Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam là phải giành vé tới Olympic Tokyo 2021 và giành từ 5 đến 6 Huy chương vàng tại SEA Games 31-2021. Mục tiêu này khiến đấu kiếm Việt Nam phải rất nỗ lực, vượt qua khó khăn mới mong hoàn thành mục tiêu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo Huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vận động viên hoàn toàn phải tập "chay", không thi đấu cọ xát trong suốt thời gian dài vừa qua. Cùng với đó là tình trạng thiếu thiết bị tập luyện ở cả đội tuyển quốc gia cũng như ở các địa phương, khiến các tuyển thủ khó duy trì phong độ. Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, để hoàn thành được mục tiêu đề ra tại SEA Games 31-2021, đấu kiếm Việt Nam phải tích cực chuẩn bị lực lượng cho Đội tuyển quốc gia. Trước mắt vẫn phải trông cậy vào những vận động viên giàu kinh nghiệm như Vũ Thành An, Nguyễn Tiến Nhật...; đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các tay kiếm trẻ tài năng được cọ xát nhiều hơn nữa để rèn bản lĩnh thi đấu cũng như nâng cao trình độ.
Còn theo vận động viên Vũ Thành An (Đội tuyển kiếm Hà Nội), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vận động viên phải chuyển hướng tập luyện, chủ yếu duy trì thể lực. “Ngoài duy trì thể lực, tôi cũng tích cực nghiên cứu chiến thuật của vận động viên các nước qua băng ghi hình để biết được điểm mạnh, điểm yếu của các đối thủ, sẵn sàng thi đấu khi giải đấu tích điểm Olympic Tokyo 2021 quay trở lại và đặc biệt đạt 100% phong độ khi bước vào SEA Games 31-2021”, vận động viên Vũ Thành An bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục sẽ hỗ trợ việc mời chuyên gia và mua trang thiết bị để các vận động viên có điều kiện tập luyện tốt nhất. Về lâu dài, bộ môn sẽ phối hợp với các địa phương để đào tạo nhiều vận động viên trẻ kế cận hơn nữa. Cùng với đó, Tổng cục cũng đề nghị các địa phương tích cực kêu gọi, thu hút nhà tài trợ để có nguồn kinh phí tổ chức nhiều giải đấu trong nước cũng như đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài khi có cơ hội và động viên, khen thưởng kịp thời để khích lệ tinh thần thi đấu của vận động viên tại các sân chơi, trong đó có đấu trường SEA Games sắp tới.
Hy vọng, với những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ, các vận động viên trẻ của đấu kiếm Việt Nam sẽ ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế và khu vực trong thời gian tới, trước mắt là SEA Games 31-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.