Sáng 8-5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UN Women tổ chức hội thảo Tổng kết, đánh giá công tác truyền thông năm 2023 và xây dựng Kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Nhìn lại công tác năm 2023 - năm thứ 8 Liên hợp quốc phối hợp Chính phủ Việt Nam phát động Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bà Caroline Nyamayemombe - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao 3 thành tựu cơ bản của Tháng hành động. Đáng chú ý, qua thực tiễn tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (EVAW) do UN Women hỗ trợ, tổ chức này đã ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của nam giới và trẻ em trai trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhấn mạnh Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là nền tảng quan trọng để đẩy nhanh tiến độ đạt được Mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới vào năm 2030, bà Caroline Nyamayemombe cho biết: UN Women cùng các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc và các đối tác phát triển cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định một chiến dịch có sức lan tỏa cao với các kết quả đo lường được cho năm 2024.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất các hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024…
Các ý kiến đều khẳng định: Với nỗ lực của các ngành, các cấp, kết quả công tác bình đẳng giới những năm qua có chuyển biến tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong đó, truyền thông luôn được xác định là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Mặc dù công tác bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu nhất định, song trên thực tế, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vẫn cần được quan tâm hơn nữa. Các định kiến giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn ra khá phổ biến. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao và có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng với vị thế, vai trò và tiềm năng của phụ nữ. Công việc nội trợ và chăm sóc gia đình vẫn do phụ nữ đảm nhiệm là chính…
Để giảm thiểu tình trạng này, cần có sự chung tay, vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.