(HNM) - Giữa bối cảnh căng thẳng song phương giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) liên tục gia tăng, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã có chuyến công du tới Nga. Động thái này được xem là nhằm giảm căng thẳng, đồng thời hâm nóng lại mối quan hệ đối tác vốn đang nguội lạnh, từ đó định hình một cấu trúc hợp tác mới cho toàn châu Âu.
Chuyến công du của Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell tới Mátxcơva diễn ra từ ngày 4 đến 6-2. Mặc dù chuyến thăm gây nhiều tranh cãi liên quan đến việc bắt giữ nhân vật Alexei Navalny, sáp nhập bán đảo Crimea hay cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, song ông J.Borrell cho rằng, những diễn biến phức tạp này càng cho thấy sự cần thiết của chuyến đi.
Ông J.Borrell khẳng định, dù tồn tại hàng loạt vấn đề bất đồng, song không thể không nhắc tới những lĩnh vực mà EU và Nga đang hợp tác hoặc cần hợp tác. Ông nhấn mạnh đây mới chính là những vấn đề đòi hỏi “sự quan tâm khẩn cấp” của hai bên.
Theo thông tin chính thức, các vấn đề được trao đổi trong chuyến thăm này bao gồm: Tình hình miền Đông Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2015 và một số hợp tác khác...
Giới phân tích đánh giá tích cực về chuyến đi và cho rằng, nếu không có sự hợp tác của Nga, châu Âu khó lòng giải quyết các vấn đề liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm nguồn cung năng lượng, nỗ lực chống khủng bố, giải trừ quân bị, tình hình Trung Đông... Hợp tác với Nga, EU còn có thể đa dạng hóa được nguồn cung vắc xin phòng, chống dịch Covid-19. Có thể nói, việc cải thiện quan hệ với Mátxcơva là “mũi tên trúng hai đích” với Brussels cả về đối nội và đối ngoại.
Về phần mình, Nga cũng có lý do để hoan nghênh những động thái mang thiện chí từ phía EU. Trước hết, kinh tế xứ Bạch dương đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong hơn một thập kỷ qua, với mức sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020 lên tới 3,1% - mức sâu nhất trong 11 năm qua. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này nằm ở những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ứng phó với dịch Covid-19 và tình trạng suy giảm về nhu cầu năng lượng trên toàn cầu. Với mục tiêu đưa GDP tăng trưởng trở lại ở mức 3,3% trong năm 2021, Nga không thể thiếu EU - đối tác thương mại và là thị trường hàng đầu của mình.
Với quan điểm này, ngay trong khuôn khổ chuyến thăm của ông J.Borrell, Điện Kremlin đã ra tuyên bố nêu rõ, Nga sẵn sàng hợp tác để phát triển quan hệ với EU. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có phát biểu thể hiện mong muốn khôi phục đối thoại với Brussels để thảo luận các điểm bất đồng; đồng thời nhấn mạnh rằng, Nga và EU có những điểm tương đồng về lịch sử và cần cùng nhau triển khai “một chương trình nghị sự tích cực”.
Giới quan sát đánh giá, lộ trình hâm nóng quan hệ song phương giữa Nga và EU sẽ không bằng phẳng. Những mâu thuẫn hiện nay đều khởi nguồn từ khác biệt có tính lịch sử, mà bản thân các thành viên EU đang có những quan điểm trái ngược về cách ứng xử với Nga. Trong khi các nước vùng Baltic, Ba Lan, Romania... đề nghị Brussels nên áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Mátxcơva, thì Đức, Pháp, Hà Lan lại mong muốn tăng cường thảo luận để gỡ các rào cản trong quan hệ. Nhiều ý kiến cho rằng “trái bóng đang nằm ở sân nhà của Nga” và phản ứng của Mátxcơva lúc này sẽ quyết định diễn biến hợp tác với EU trong thời gian tới.
Rõ ràng, chuyến thăm của quan chức hàng đầu về đối ngoại của EU tới Nga, cũng như những phản hồi từ Mátxcơva cho thấy hai bên hơn bao giờ hết đang mong muốn cải thiện quan hệ song phương. Đây là thời điểm thích hợp nhất để Nga và EU mở ra chiến lược hợp tác lâu dài, từ đó định hình một cấu trúc hợp tác mới cho toàn châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.