Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc chuyển trọng tâm

Dục Tú| 26/08/2018 06:29

(HNM) - Đã gần hai năm kể từ ngày Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được ban hành và dần đi vào cuộc sống. Khoảng thời gian không dài, nhưng cũng có thể nhận xét về hiệu quả triển khai các quy tắc này trong thời gian qua.


Thứ nhất, việc triển khai khá đồng bộ các giải pháp tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung, sự cần thiết ban hành hệ thống Quy tắc ứng xử đã có tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về văn hóa ứng xử, góp phần tạo nền tảng cho việc hình thành ý thức tham gia xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Những buổi tọa đàm, hội thi tuyên truyền viên… được tổ chức ở cơ sở đã góp phần làm lan tỏa tinh thần trách nhiệm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thứ hai, tuy đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức nhưng những biểu hiện trái với Quy tắc ứng xử, đặc biệt là Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng vẫn còn hiện hữu trong đời sống, thể hiện ở cách ứng xử khi tham gia giao thông, sử dụng không gian công cộng, trách nhiệm bảo vệ môi trường, ý thức thượng tôn pháp luật... Điều đó cho thấy sự cần thiết phải tìm cách nhận diện chính xác những vấn đề nảy sinh trong thực tế, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp trọng tâm để giải quyết dứt điểm từng việc.

Căn cứ nội dung các phần việc triển khai thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử trong thời gian qua, có thể thấy chúng ta đã tập trung nhiều cho hoạt động tuyên truyền, vận động, giới thiệu Quy tắc ứng xử trong cộng đồng. Phần việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm cũng như tôn vinh điển hình, nêu gương cách làm hay, mô hình hiệu quả chưa thu được kết quả như mong muốn, một phần do thiếu cơ chế, chế tài và một phần do chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phần việc này, chưa sâu sát đủ để nắm bắt diễn biến thực tế trên địa bàn cũng như trong cơ quan, đơn vị.

Bởi vậy, giờ đây có lẽ đã đến lúc chuyển trọng tâm, tập trung cho công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Muốn vậy, với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cần tìm ra giải pháp thúc đẩy sự vào cuộc một cách thực chất của chính quyền cơ sở, của các đoàn thể và tổ chức xã hội. UBND các phường, xã, thị trấn là nơi đi đầu, phải căn cứ vào đặc điểm dân cư, mô hình cư trú trên địa bàn để hình thành kế hoạch tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát phù hợp.

Mỗi nơi có cách làm riêng, với khu đô thị mới, chung cư thì cách thức không thể giống khu kinh doanh buôn bán; người ở phố thì thói quen, cách ứng xử có sự khác với ở thôn quê… Về cơ bản, phải lấy ý thức thượng tôn pháp luật làm đầu, lấy luật pháp làm cơ sở nền tảng để kết hợp với nội dung Quy tắc ứng xử nhằm phân định đúng - sai, xử lý vi phạm khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Việc xử lý vấn đề một cách triệt để dựa trên luật pháp, quy định, quy tắc còn là cách để giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn phát sinh, ngăn chặn ý định dung dưỡng hành vi vi phạm, góp phần định hướng và cổ vũ hành vi, lề lối ứng xử đúng luật, văn minh.

Cũng như nhiều lĩnh vực công tác khác, nên có cơ chế kiểm tra, thẩm định, báo cáo kết quả thực hiện phần việc liên quan tới triển khai Quy tắc ứng xử của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị. Đơn vị cấp dưới thực hiện việc báo cáo định kỳ với cơ quan cấp trên một cách cụ thể - rõ người, rõ việc, rõ mục tiêu, kết quả, hạn chế và giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, kết hợp với biện pháp “hậu kiểm”, cơ quan cấp trên có thể đánh giá tình hình, đưa ra ý kiến chỉ đạo phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc chuyển trọng tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.