Giáo dục

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Chung trách nhiệm, kiên trì tạo nếp

Thống Nhất 28/02/2024 - 06:26

Xây dựng văn hóa trong trường học, trong đó có văn hóa ứng xử đã trở thành nếp của ngành Giáo dục từ nhiều năm nay. Nội dung này ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TƯ.

Tuy nhiên kết quả triển khai tại các trường học chưa được như mong muốn, đây đó vẫn có hiện tượng “lệch chuẩn” trong ứng xử của nhà giáo, học sinh. Điều này cho thấy cần hơn nữa sự chung sức trách nhiệm từ nhiều phía.

hoc-sinh-truong-.jpg
Học sinh Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) thực hiện tốt các nội quy khi đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: Nguyễn Quang

Coi trọng xây dựng văn hóa trường học

Luật Giáo dục xác định nhiệm vụ: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân…”, cho thấy rõ vai trò trọng yếu của yếu tố đạo đức trong mục tiêu giáo dục con người. Nghị quyết số 29/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” cũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…”.

Nhận thức rõ nhiệm vụ trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực đa dạng hóa nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa trong trường học. Đáng chú ý, việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg đã tạo chuyển biến rõ nét về cả ý thức và hành động trong giao tiếp, ứng xử của nhà giáo, học sinh. Các trường phải xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể học sinh thực hiện văn hóa xếp hàng, tự phục vụ trong thư viện, trong trực nhật, khi ở căng tin… Đó là những điều tưởng chừng nhỏ nhưng lại là nội dung quan trọng trong đề án và đã được ngành Giáo dục cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động. Đến nay, 100% các trường học đã xây dựng và thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trong trường học và thường xuyên cập nhật, bổ sung nội dung mới phù hợp thực tế.

Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn những sự việc đáng buồn, như việc thầy giáo xưng “mày - tao” với học sinh ở Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội); việc học sinh dồn cô giáo vào góc lớp và có hành vi, lời nói vô lễ ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang)... Những sự việc này khiến dư luận xã hội rất bức xúc.

hoc-sinh-truong-trung-hoc-c.jpg
Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân tham gia Liên hoan tuyên truyền “Nét đẹp văn hóa học đường”. Ảnh: Minh Khang

Kiên trì lan tỏa nét đẹp văn hóa

Các sự việc nêu trên đã được giải quyết, những nhà giáo, học sinh có liên quan cũng đã nhận hình thức kỷ luật phù hợp. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn những sự việc làm xấu hình ảnh của nhà giáo, học sinh cũng như nền nếp ứng xử văn hóa ở các trường học vẫn là một thách thức lớn. Chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện đòi hỏi mỗi nhà giáo, học sinh và từng trường học phải kiên trì nỗ lực, chung sức trách nhiệm để tạo nếp từ những việc nhỏ, lấy “xây” để “chống” bằng cách lan tỏa nét đẹp văn hóa.

Nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong ứng xử, giao tiếp, đặc biệt là trong nếp chào hỏi của học sinh, năm học 2022-2023, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai Đề án giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, nâng cao văn hóa giao tiếp. Mỗi trường học lại chọn một nội dung để tập trung giáo dục học sinh. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An Trần Thị Bích Liên chia sẻ, nhà trường phát động cuộc thi “Sáng mãi nét đẹp Tràng An” nhằm giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu thêm về lịch sử truyền thống và làm theo những nét đẹp của các thế hệ nhà giáo, học sinh trường Tràng An nói riêng, người Hà Nội nói chung.

Tại quận Hà Đông, theo cô giáo Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên, không chỉ minh họa bằng hình ảnh, bằng clip, các giờ dạy dành ưu tiên thời gian để học sinh thực hành lời chào với bạn, với cô giáo, với khách đến trường, rèn nếp ăn nói rõ ràng, lịch sự...

Thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ, vai trò nêu gương của nhà giáo trong giao tiếp, ứng xử cũng như trong thực hiện quy tắc ứng xử văn minh rất quan trọng. Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” vừa ban hành thêm một lần nữa khẳng định trách nhiệm của các nhà trường, trong đó có vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh. Cùng với việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử, cán bộ, nhà giáo của trường sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố nhằm làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo Thủ đô.

Cho đến nay, thành phố Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất biên soạn được bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Hơn 10 năm triển khai, học sinh thành phố đã có nhiều chuyển biến trong ý thức và hành động. Đó là nền tảng để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục tự tin, quyết tâm triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội hiệu quả, chất lượng.

Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm):
Khích lệ học sinh nói lời hay, làm việc tốt

t3-ykien-nguyen-thi-van-h.jpg

Nhà trường phát động phong trào “Lời chào người Tràng An” nhằm giáo dục học sinh văn hóa chào hỏi. Phong trào nhận được sự ủng hộ tích cực của phụ huynh bởi điều này đã khích lệ học sinh nói lời hay, làm việc tốt, biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi đúng lúc. Kết quả triển khai cho thấy đã có những chuyển biến tích cực, việc chào hỏi của học sinh, lễ phép chào thầy, cô giáo và khách đến trường đã trở thành nếp quen.

Để duy trì nếp quen này, đồng thời làm gương cho học sinh, hằng ngày vào đầu và cuối buổi học, ban giám hiệu nhà trường đều đứng ở cổng trường để đón, chào học sinh. Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, phòng chống bạo lực học đường. Bản cam kết này nhà trường cho học sinh tự thiết kế nội dung và sáng tạo hình thức thể hiện. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức thi vẽ tranh về đề tài nét đẹp thanh lịch văn minh của người Hoàn Kiếm...

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ):
Bố mẹ phải làm gương trong lời nói hằng ngày

t3-ykien-nguyen-thi-thu-h.jpg

Thực tế cho thấy, con trẻ nói bậy do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do bắt chước người lớn. Do đó, cha mẹ, người lớn, các thầy, cô giáo cần có thái độ và giải pháp nghiêm khắc, quyết liệt hơn với tình trạng nói tục, chửi bậy, coi đây là một đầu việc quan trọng và cấp thiết và thật kiên trì. Mỗi người lớn cũng cần thể hiện sự gương mẫu trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, nhằm tạo ra sự tác động đủ làm thay đổi nhận thức của con trẻ về nếp sống văn hóa. Mỗi người lớn trong gia đình cần nhận thức rõ vai trò làm gương của mình trong lời nói, trong ứng xử hằng ngày. Nếu bố mẹ thường xuyên có lời nói chuẩn mực, hành động đẹp, trẻ nhỏ sẽ học theo. Khi lớn lên, thường xuyên chứng kiến và được nghe những câu nói hay, việc làm tốt từ bố mẹ, các con sẽ tự giác làm theo. Vì thế, trước tiên chính mỗi bậc phụ huynh cần làm gương cho con trong lời nói, trong ứng xử bằng những việc cụ thể.

Học sinh Trần Nguyễn Thái An, lớp 11D3 , Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy):
Rèn nếp ứng xử văn minh từ những việc nhỏ

t3-ykien-tran-nguyen-thai.jpg

Thông qua các bài học trong bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh được giảng dạy từ lớp 1, em học được nhiều điều bổ ích. Có những việc như xếp hàng nơi công cộng, tự phục vụ khi vào thư viện, đến căng tin trường... mà trước đây em không để ý, sau khi học mới hiểu hết ý nghĩa. Việc này không chỉ là trách nhiệm của học sinh khi tham gia các hoạt động của trường, ở nơi công cộng, mà còn giúp mình rèn nếp ứng xử văn minh, thanh lịch. Nội dung giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch còn được lồng ghép vào nhiều môn học, hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ chính khóa.

Sau mỗi bài học, chúng em luôn tự đặt ra câu hỏi: Mình cần làm gì để góp phần xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, xây dựng trường học văn hóa? Đó đều bắt nguồn từ những việc nhỏ như mặc đồng phục đúng quy định; lễ phép, chào hỏi, xưng hô đúng phép tắc; trung thực trong lời nói và học tập...

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Chung trách nhiệm, kiên trì tạo nếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.