LTS: Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị của Trung ương; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, 10 chương trình công tác khóa XVII cũng như các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy, Báo Hànộimới mở chuyên mục “Nghị quyết và Đời sống”.
Được đăng tải vào thứ tư hằng tuần, chuyên mục sẽ cung cấp thông tin về kết quả đạt được, những cách làm hay, sáng tạo của các đảng bộ, ngành, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” là chương trình có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Sau hơn một năm đi vào đời sống bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Hiện Ban Chỉ đạo chương trình đang tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc
Triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo, các địa phương, đơn vị liên quan, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của chương trình trong hơn một năm qua đã chuyển động thông suốt, hiệu quả. Trong đó, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo chương trình đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; chỉ đạo quyết liệt công tác cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954.
Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, 19 tiêu chí của chương trình đã được triển khai quyết liệt. Trong đó, chỉ tiêu “Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng” và “Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại” được các tổ công tác bám sát đôn đốc thực hiện. Riêng chỉ tiêu “Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố” được UBND các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông triển khai thủ tục để cải tạo 10 vườn hoa trên địa bàn...
Đáng lưu ý, chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954” được rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.
Khẳng định sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 03-CTr/TU trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, UBND quận vừa khởi công dự án “Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài”. Sau khi hoàn thành, biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với tên gọi Trung tâm Giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.
Xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn
Mặc dù có những kết quả tích cực, song thực tiễn công tác xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy của Chương trình số 03-CTr/TU còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, để tạo đồng thuận cao trong thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, thời gian tới, các cấp ủy và các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chương trình. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu Đề án đầu tư huyện lên quận; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cải tạo, chỉnh trang biệt thự và các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; đầu tư xây dựng 20 chợ, chỉnh trang hè đường phố; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công viên, vườn hoa…
Đáng lưu ý, Ban Chỉ đạo chương trình đã giao các sở phối hợp đề xuất chủ trương đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các công viên trên địa bàn thành phố (Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ, Công viên Bách Thảo); tổ chức xây dựng quy trình, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong lĩnh vực chỉnh trang, cải tạo các nhà biệt thự, công trình kiến trúc có giá trị; chỉnh trang tuyến phố; quy hoạch các khu chung cư cũ; rà soát, lập danh mục các tuyến đường, phố chỉnh trang mặt đường kết hợp với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình mặt phố.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU cho rằng, ngoài sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị liên quan thì vai trò kiểm tra, đôn đốc của thành viên Ban Chỉ đạo rất quan trọng, cần được đẩy mạnh. Qua đó tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện với kết quả cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.