Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặng đường nhiều chông gai

Mai Chi| 16/07/2017 06:39

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine lần thứ 19 vừa kết thúc tại thủ đô Kiev (Ukraine)...


Con đường trở thành thành viên Liên minh Châu Âu (EU) của Ukraine còn rất nhiều trở ngại.


Trước thềm hội nghị, giới quan sát kỳ vọng sự kiện sẽ mở ra một trong những thời kỳ thành công nhất trong lịch sử mối quan hệ giữa hai bên, tổng kết những công việc đã thực hiện được và thảo luận về tiềm năng hợp tác trong tương lai. Tháng trước, EU đã cấp cho công dân Ukraine quyền đi lại tại khu vực Schengen của Châu Âu mà không cần thị thực - một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Kiev. Ngay trước khi hội nghị diễn ra, EU phê chuẩn hiệp định liên kết EU - Ukraine sau quá trình đàm phán và xây dựng kéo dài hơn một thập kỷ và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-9 tới. Tuy nhiều phần của hiệp định đã được áp dụng từ năm 2014, nhưng việc thông qua sẽ bảo đảm hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực đối ngoại, luật pháp, giáo dục, khoa học công nghệ giữa hai bên. Phần kinh tế của hiệp định, còn được gọi là Khu vực Thương mại tự do toàn diện và sâu rộng (DCFTA), cũng nhằm làm hài hòa các luật và quy định để mở cửa thị trường EU cho hàng hóa của Ukraine. Sau hơn một năm áp dụng tạm thời, DCFTA đã giúp thương mại song phương tăng 10% và giúp EU củng cố vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá kết quả hội nghị song phương lần này còn một khoảng cách rất xa so với kỳ vọng của chính quyền Ukraine và cho thấy Châu Âu đang hướng những cam kết thực sự với Kiev sang việc bàn về triển vọng hợp tác mà không có một thông điệp chính trị rõ ràng. Trong quá trình diễn ra sự kiện này, Ukraine liên tục nhấn mạnh rằng, tuyên bố chung nên tham khảo cụm từ "EU thừa nhận nguyện vọng gia nhập khối của Ukraine và hoan nghênh lựa chọn này" được ghi trong Hiệp định liên kết EU - Ukraine. Tuy nhiên, giữa các nước EU vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt trong vấn đề trên, đặc biệt là việc Nghị viện Hà Lan cho biết, chỉ phê chuẩn hiệp định với điều kiện nó không tự động dẫn tới tư cách thành viên EU của Ukraine mà coi đây là một thỏa thuận hợp tác đơn thuần. Bởi vậy, hội nghị đã thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung với những bất đồng trong việc định rõ mối quan hệ tương lai với Ukraine trong khi quốc gia này đang nóng lòng trở thành thành viên của EU.

Ngoài ra, những vấn đề còn tồn tại của Ukraine tiếp tục trở thành chủ đề thảo luận chính trong cuộc họp lần này. Trong đó, tình trạng tham nhũng được các nhà lãnh đạo EU nêu bật và đòi hỏi chính quyền Ukraine phải có biện pháp đối phó tức thời. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo tham nhũng đang phá hoại mọi nỗ lực mà quốc gia này thực hiện, đồng thời là mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU trong quá trình hợp tác với Ukraine.

Dù còn mập mờ trong mối quan hệ với Ukraine, nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, EU đã có sự thống nhất nhất định về chính sách với Ukraine, phản ánh qua việc gia tăng lệnh trừng phạt Nga vào tháng trước. Trong cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng, việc EU mở rộng trừng phạt kinh tế với Nga là thông điệp khẳng định các biện pháp này vẫn được giữ nguyên cho tới khi Mátxcơva hoàn toàn tuân thủ cam kết theo thỏa thuận Minsk và giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine.

Trong bối cảnh mối quan hệ Nga - Ukraine ngày một trở nên căng thẳng với hàng loạt quy định mới của Kiev nhằm vào công dân Nga như kế hoạch siết chặt kiểm soát biên giới, quy định về việc người Nga phải thông báo với chính quyền địa phương về nơi cư trú, mục tiêu gia nhập EU càng trở nên cấp thiết với chính quyền Tổng thống P.Poroshenko. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, chặng đường mà Ukraine cần theo đuổi để đến với “mái nhà chung” EU còn rất nhiều chông gai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặng đường nhiều chông gai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.