Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo ngộ độc rượu dịp cuối năm

Xuân Lộc| 16/11/2022 07:01

(HNM) - Một vụ ngộ độc rượu tập thể vừa xảy ra tại tỉnh Kiên Giang, khiến 14 người nhập viện, trong đó đã có 3 người tử vong. Sự việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gia tăng các vụ ngộ độc rượu vào dịp cuối năm - thời điểm người dân sử dụng rượu, bia tăng đột biến.

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Thành Dương

Rượu và bia đều gây ngộ độc

Sau khi ăn nhậu tại đám tang của ông N.V.T (tử vong do ngộ độc rượu ở xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), có 14 trường hợp bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) phải nhập viện điều trị. Ngày 7-11 vừa qua, có 5 trường hợp nặng được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện An Biên lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để cấp cứu, điều trị. Tính đến ngày 12-11-2022, có 3 người đã tử vong, 2 người còn lại sức khỏe ổn định và được xuất viện. Các cơ quan chức năng của địa phương cũng đã lấy 4 mẫu rượu có liên quan tại đám tang để xét nghiệm. Kết quả, có 1 mẫu rượu chứa hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép.

Trước đó, vào tháng 8-2022, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 người tử vong. Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, trong 9 tháng năm 2022 đã xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol. Từ thực tế thống kê, theo dõi tình trạng ngộ độc rượu nhiều năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và những ngày lễ, hội. Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu quá mức chấp nhận của cơ thể, uống rượu không nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lo ngại, ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp (methanol). Ngộ độc các loại rượu thông thường đã nguy hại, nhưng ngộ độc rượu methanol càng nguy hại hơn. Khi bị ngộ độc rượu methanol, người bệnh sẽ gặp các thương tổn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, như di chứng về mắt, tổn thương não... thậm chí còn tử vong, nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngộ độc methanol nếu được điều trị kịp thời sẽ không nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, ở nước ta do hầu hết bệnh nhân không biết bản thân bị ngộ độc methanol, nên đến bệnh viện khi đã muộn. Chính vì không được điều trị kịp thời nên tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao.

Ngoài ra, việc lạm dụng rượu lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người sai lầm khi cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không gây hại cho gan nhưng thực tế không phải như vậy. Dù là loại rượu, bia “xịn”, thì việc uống nhiều cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra cảnh báo, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, như: Ung thư (miệng, họng, thanh quản, đại trực tràng, gan, ung thư vú ở nữ) và uống mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thư và càng uống nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng.

“Năm nào cũng vậy, vào thời điểm cuối năm, giáp Tết, số ca ngộ độc rượu luôn gia tăng từ 2 đến 3 lần. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, các ngành nghề. Không chỉ có rượu mà bia cũng gây ngộ độc. Bia là rượu pha loãng và có thêm… bọt, nếu lạm dụng cũng gây ngộ độc. Không ít người bị ngộ độc rượu, thoát chết nhưng phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt... mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu phải nhập viện

Để phòng tránh ngộ độc rượu, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần lựa chọn những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời không uống rượu khi đang đói, mệt, đang uống thuốc điều trị hoặc đang tham gia giao thông để hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đưa ra lưu ý về các biểu hiện khi bị ngộ độc rượu nặng, nguy hiểm, như: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật; tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; thở khò khè, ứ đọng đờm, rãi ở miệng, họng, ho yếu, thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở, có thể hít sâu và nhịp thở nhanh; da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh; đại tiện, tiểu tiện ra quần hay tiểu tiện ít hơn bình thường; nhìn mờ, nhìn một vật thành hai; nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; mệt nhiều.

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng nêu trên thì gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế. Với những trường hợp nhẹ hơn cần theo dõi và có chế độ ăn, nghỉ phù hợp, tránh trường hợp để đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Tuy nhiên, khi thấy bệnh nhân ngủ lâu không tỉnh, không ăn uống được gì hoặc nôn nhiều thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, trong trường hợp gia đình có người thân hoặc bạn bè uống rượu, cách tốt nhất là bắt họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nước canh, nước cháo loãng... để bù năng lượng cho cơ thể. Với các loại thuốc giải rượu hầu như không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo.

“Cách tốt nhất là không lạm dụng rượu, bia, nhất là trong thời điểm cuối năm, giáp Tết. Uống ít nhất có thể, giảm cả về số lần uống và số lượng rượu uống. Nếu muốn sử dụng rượu nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông khi sau uống. Đặc biệt, những người trẻ tuổi, người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp... không nên sử dụng rượu bia vì rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đưa ra lời khuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo ngộ độc rượu dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.