Ngộ độc rượu “nóng” trở lại sau vụ việc diễn ra mới đây khiến 5 người ở tỉnh Bắc Kạn phải nhập viện sau bữa ăn tại một quán lẩu. Kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu rượu trắng còn lại trong chén mà bệnh nhân đã uống có hàm lượng methanol cao hơn 30 lần mức cho phép.
Tỷ lệ tử vong do ngộ độc methanol xấp xỉ 30%
Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phớt lờ, tiếp tục lạm dụng rượu, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc để rồi “rước họa vào thân”. Đơn cử như vào tối 17-10, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn) tiếp nhận 5 trường hợp (gồm: 3 nam và 2 nữ) nhập viện do ngộ độc sau khi ăn lẩu và uống rượu tại quán lẩu Chiêm Còi, đường Thanh Niên, tổ 8, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, mẫu rượu trắng còn lại trong chén mà bệnh nhân đã uống có hàm lượng methanol cao hơn 30 lần mức cho phép.
Trước đó, vào cuối tháng 8-2023, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Kiên Giang khiến 2 công nhân tử vong. Những người này sau khi nhận tiền lương đã rủ nhau ăn và uống rượu trắng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang kết luận, đây là vụ ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt mức giới hạn theo tiêu chuẩn trên 435 lần.
Còn tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, trong đó có nhiều trường hợp nặng, thậm chí tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol tại đây là xấp xỉ 30%. Còn ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.
Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật... Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, ô xy hóa thành formol (formaldehyde) và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng; 15ml trở lên gây mù lòa; 30ml có thể gây tử vong.
Cũng theo Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong. Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do các tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm. Thậm chí, các loại rượu gây ngộ độc này còn được trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính.
Tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu
Lo ngại tình trạng ngộ độc rượu methanol sẽ tiếp tục “nóng”, nhất là vào dịp cuối năm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tại các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol; qua đó cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời. Đặc biệt, ngành Y tế cần phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công. Từ đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đề cập đến những ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu đến sức khỏe con người, Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Phương Thảo, Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, 10% rượu hấp thu ở dạ dày, số còn lại ở ruột non. Sau khi uống khoảng 30-90 phút thì nồng độ hấp thu rượu đạt đỉnh. Thời gian hấp thu phụ thuộc uống lúc no (hấp thu chậm hơn) hay lúc đói (hấp thu nhanh hơn). Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, nó được phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…
Không chỉ dẫn đến nguy cơ ngộ độc, theo các chuyên gia y tế, rượu còn là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm trí nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực. Tác hại của rượu lên hệ tiêu hóa dẫn đến xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, viêm dạ dày… Đối với vấn đề sinh sản, rượu có thể dẫn đến nguy cơ sinh con dị tật, giảm khả năng sinh dục. Ngoài ra, rượu có thể gây ra nhiều hệ lụy khác đối với sức khỏe con người, như: Tăng huyết áp, suy tim; tê ngón tay, ngón chân, run tay/chân, đau dây thần kinh…
Từ góc độ chuyên môn, Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Phương Thảo khuyến cáo, trong trường hợp cần uống rượu thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ. Không nên uống quá 5 ngày/tuần. Cụ thể, đối với nam không nên uống quá 1-1,5 chai/lon bia/ngày; khi uống bia không nên uống 2 cốc/ngày và không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ ngày. Nữ thì bằng 1/2 của nam và không uống quá 5 ngày/tuần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.