Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách phòng ngộ độc rượu methanol

Lộc Xuân| 10/08/2022 07:07

(HNM) - Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc tập thể rượu chứa methanol (cồn công nghiệp), trong đó có 2 người tử vong. Sự việc này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, dẫn đến ngộ độc.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên ghi nhận các ca ngộ độc methanol, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, tử vong. Trường hợp bệnh nhân được cứu sống cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.

Giám đốc Trung tâm Chống độc Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân, đó là uống rượu kém chất lượng có pha methanol và uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành methanol. Các triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp, như: Buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê… và tử vong.

Để phòng, tránh ngộ độc rượu, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt là rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Ngoài ra, không nên uống rượu khi đói và không uống nhiều. Đơn cử như với rượu sâm banh (nồng độ 11%), nên uống khoảng 150-200ml; rượu trắng (nồng độ 35-40%), nên uống khoảng 25ml.

Khi có biểu hiện say rượu, cần tìm giải pháp nôn ra hết (như ngoáy họng), hoặc ăn chuối. Người bị ngộ độc rượu nhẹ có thể ăn lập tức từ 3 đến 5 quả chuối hoặc uống nước chè xanh đậm, giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn… Sau đó, đưa người có dấu hiệu ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cách phòng ngộ độc rượu methanol

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.