Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bảo đảm nguyên tắc chống thu thuế hai lần

Bảo Nga - Thùy Ngân| 23/09/2017 06:58

(HNM) - Bộ Tài chính đang lên phương án xây dựng quy định đánh thuế đối với trường hợp sở hữu từ 2 bất động sản trở lên. Dù mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính nhưng vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều quan điểm khác nhau, trong đó nổi lên yêu cầu bảo đảm nguyên tắc chống thu thuế hai lần và chống trốn thuế.



Ông Đặng Văn Hòa (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy): Nhà nước tăng nguồn thu, người dân có cơ hội mua nhà giá gốc

Việc thu thuế tài sản, cụ thể là thuế sở hữu nhà đất nhằm mục đích chính là chống đầu cơ, tham nhũng và minh bạch hóa thị trường bất động sản. Đơn cử, ở một số nước Châu Âu, họ đánh thuế bất động sản rất nặng theo hình thức lũy tiến. Sở hữu căn nhà thứ 1, chịu mức thuế 10%, nhưng nếu mua căn nhà thứ 2, mức thuế tăng lên gấp đôi tức là 20%, và căn nhà thứ 3 lên tới 50%... giá trị tài sản. Ở các nước tiên tiến, mọi giao dịch chủ yếu thông qua ngân hàng, do đó các giao dịch bán - mua dễ dàng được kiểm soát. Trường hợp cố tình trốn thuế sẽ bị xử lý nghiêm. Việc siết thuế tài sản hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng, dùng tiền mua bất động sản, đẩy giá bất động sản lên cao, vượt xa giá trị thực.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa quen với hình thức thu thuế này nên thời gian đầu áp dụng, có thể sẽ gây đôi chút xáo trộn trên thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp kinh doanh, các chủ đầu tư bất động sản sẽ phản ứng với quyết định do động chạm trực tiếp đến lợi ích của họ. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ đem lại lợi ích lớn cho cả Nhà nước và người dân. Nhà nước quản lý được thị trường, tăng nguồn thu; trong khi người dân thực sự có nhu cầu mua nhà ở sẽ có thêm cơ hội mua nhà với giá gốc.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp:Đánh thuế tài sản là việc không đơn giản

Thị trường bất động sản Việt Nam nhỏ hẹp, tập trung ở một vài thành phố lớn, các địa phương có khu du lịch… Tuy nhiên, thị trường nhỏ hẹp này lại đang nằm trong tay những người có tiền, những “đại gia” bất động sản. Đây chính là nguyên nhân khiến giá bất động sản bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, hàng loạt khu đô thị, nhà chung cư, đất nền… đã có chủ nhưng luôn trong tình trạng bị “bỏ hoang”, trong khi rất nhiều người nghèo hay người có mức thu nhập trung bình lại mất cơ hội tìm cho mình một chốn an cư.

Ở nhiều quốc gia hiện nay, thuế tài sản là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Đây là loại thuế trực thu, đánh vào những tài sản cụ thể, trong đó có nhà và đất. Trong điều kiện của Việt Nam, đánh thuế tài sản là việc không đơn giản. Bởi vì chúng ta vẫn giữ thói quen giao dịch bằng tiền mặt, do đó rất khó khăn trong việc phát hiện hành vi tích trữ, đầu cơ bất động sản qua dòng tiền giao dịch tại hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tuy các văn phòng công chứng đã có phần mềm kết nối dữ liệu, các giao dịch mua bán đều được quản lý, song nếu người mua bất động sản nhờ người khác đứng tên hoặc “hợp thức hóa” tài sản dưới tên các tổ chức, doanh nghiệp… thì cơ quan quản lý cũng khó phát hiện. Việc đánh thuế nhà thứ 2 trở lên cần được tính toán kỹ, bởi trong một thị trường hẹp, rất có thể việc đánh thuế sẽ tạo áp lực về giá lên thị trường nhà cho thuê, hoặc sẽ khiến thị trường bất động sản trở nên đóng băng.

Chị Nguyễn Mai Nhung (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân): Sẽ ảnh hưởng đến thị trường và quyền của người sở hữu, sử dụng bất động sản

Hiện tại cá nhân, tổ chức sở hữu bất động sản đã phải nộp các khoản thuế: Thu nhập cá nhân (2% giá trị bất động sản) khi chuyển nhượng bất động sản; lệ phí trước bạ (0,5% giá trị bất động sản), lệ phí thẩm định (0,15% giá trị bất động sản), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Gần đây, Bộ Tài chính mới ra Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BTC ngày 15-5-2017 điều chỉnh về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp dẫn tới mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đều tăng lên nhiều lần. Điều này cũng đã gây phản ứng không tốt từ phía người sử dụng đất. Do vậy, trường hợp nếu không quy định phù hợp, việc đánh thuế đối với người sử dụng đất có từ 2 bất động sản trở lên sẽ gây thêm gánh nặng về thuế cho người sử dụng, đồng thời gây bức xúc cho người dân.

Ông Hoàng Ngọc (phường Láng Hạ, quận Đống Đa): Tính thuế phải hợp lý...

Thuế đối với việc sở hữu bất động sản thứ 2 là thuế trực thu. Nếu thuế được tính theo diện tích, sẽ giống với thuế được tính cho sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), có thể dẫn tới việc người dân sẽ phải chịu hai loại thuế giống nhau cho cùng đối tượng tài sản. Nếu tính theo số lượng bất động sản, người sở hữu căn hộ chỉ có diện tích 30m2, liệu có phải chịu thuế ngang với những người sở hữu căn hộ cả trăm mét vuông. Thời gian tính thuế là bao lâu, thu bao nhiêu lần trong cả quá trình sở hữu, sử dụng bất động sản.

Có thể thấy đánh thuế đối với bất động sản thứ 2 trở lên là một bài toán khó. Để có thể đưa quy định đi vào thực tế, cần phải có một lộ trình nghiên cứu toàn diện nền kinh tế thị trường một cách nghiêm túc và chặt chẽ, bảo đảm được quyền lợi cho cả cá nhân, cơ quan và tổ chức. Đặc biệt, bảo đảm nguyên tắc người dân không phải chịu thuế hai lần và ngăn chặn các trường hợp trốn thuế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bảo đảm nguyên tắc chống thu thuế hai lần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.