Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online - “bảo hộ ngược”?

Việt Nga| 04/04/2023 08:00

(HNM) - Bị cạnh tranh quyết liệt từ trò chơi điện tử trực tuyến (game online) nước ngoài qua mạng, các doanh nghiệp game Việt Nam đang “teo tóp” dần. Thế nhưng lần thứ 2 trong vòng 7 năm, game online lại được đề xuất đưa vào danh mục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều người cho rằng đề xuất này được thông qua không khác nào “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp game nước ngoài.

Hội thảo doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngày 30-3.

Vừa qua, Bộ Tài chính xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó đề xuất bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý”. Một trong những nguyên nhân đưa ra là “Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ”…

Theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu game năm 2022 của thị trường trong nước ước tính hơn 500 triệu USD. Trong đó, 78% doanh thu game tại Việt Nam thuộc về các nhà cung cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam và không quản lý được; chỉ có 22% doanh thu game là của doanh nghiệp trong nước, cung cấp các game được cấp phép và đóng thuế. Để chặn game không phép, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ game vi phạm. Nhưng game lậu sống được do có các kênh thanh toán hỗ trợ, tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.

“Nói game online có doanh thu lớn và lợi nhuận cao là không đúng thực tế. Ngành game trong nước có lịch sử khoảng 18 năm, nhưng đến giờ chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động, riêng năm 2022 có 10 doanh nghiệp phá sản. Nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam đang teo tóp...”, bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame cho biết.

Còn ông Dương Tường Minh, Công ty cổ phần trực tuyến Gosu nêu rõ, ngành game trong nước đang phải chịu nhiều loại thuế và phí tới hơn 40%, gồm: 10% thuế giá trị gia tăng; 20% thuế nhà thầu; 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Liên quan đến chính sách, đại diện một đơn vị phát hành game phân tích, khi phát hành game qua kho ứng dụng, doanh nghiệp nước ngoài chỉ mất 15% tiền hoa hồng, lại không phải đóng thuế. Trong khi đó, nếu bán bản quyền cho 1 doanh nghiệp Việt Nam phát hành, họ sẽ mất 24-28% thuế các loại, lại mất thời gian xin phép (45-60 ngày) do vậy, doanh nghiệp nước ngoài chọn cách phát hành trực tiếp qua kho ứng dụng.

“Trong trường hợp bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt, game do công ty trong nước sẽ bị đội giá lên cao, người chơi chuyển sang game của nước ngoài do giá rẻ hơn. Điều này gây ra 2 hệ lụy: không đạt được mục đích là hạn chế người chơi game; doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp game Việt sẽ giảm mạnh, không đủ sức đóng thuế…”, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành game Công ty cổ phần VNG thông tin.

Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin. Theo đó, nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, nó sẽ làm yếu sức cạnh tranh của game Việt trên sân nhà. Đồng quan điểm, lãnh đạo Hiệp hội Thể thao giải trí điện tử Việt Nam nhấn mạnh, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, thì chính sách này mâu thuẫn với chính sách của Đảng và Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa thấy quốc gia nào thu thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, đề xuất của Bộ Tài chính là không phù hợp với xu hướng quốc tế.

Tiếp cận ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế cho biết, yêu cầu đầu tiên về thuế là phải bình đẳng và công bằng. Trường hợp nếu không quản lý được thì không nên đánh thuế vì phải tính đến doanh thu, chi phí và lợi ích… của doanh nghiệp. Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chính sách nào đưa ra đều phải được cân nhắc nhiều chiều.

Thêm nữa, doanh nghiệp game Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game nước ngoài ngay chính tại thị trường Việt Nam và đã khá nhiều doanh nghiệp game trong nước chuyển sang cung cấp tại nước ngoài... Nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì giống như “bảo hộ ngược”, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu phát triển!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online - “bảo hộ ngược”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.