(HNM) - Sau hơn 2 năm kể từ khi can thiệp quân sự vào Syria, Nga vừa hoàn thành sứ mệnh giúp chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad giải phóng hoàn toàn lãnh thổ bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng, góp phần quan trọng vào tiến trình vãn hồi hòa bình tại quốc gia có vị trí chiến lược ở Trung Đông.
Binh sĩ Syria vui mừng khi giải phóng thành trì Deir Ez-Zor khỏi tay IS. |
Giai đoạn cuối của cuộc chiến chống IS để giải phóng Syria, Nga đã sử dụng lực lượng không quân quy mô chưa từng có, với việc huy động tối đa máy bay chiến đấu, mỗi ngày thực hiện không dưới 100 lượt cất cánh. Trong 5 ngày vừa qua, lực lượng không quân đã tiêu diệt hơn 550 tay súng. Dưới hỏa lực yểm trợ của lực lượng không quân Nga, quân đội Syria đã toàn thắng khi giải phóng 3 thị trấn cuối cùng đang bị IS chiếm giữ trên bờ Tây sông Euphrates và hợp binh với các đơn vị quân tình nguyện Hezbollah, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), mở thông quốc lộ từ Deir Ez-Zor đến Albukamal. Hệ thống phòng ngự vững chắc cuối cùng của IS đã sụp đổ hoàn toàn sau cuộc tấn công quyết liệt của “Hổ Syria”, buộc các tay súng khủng bố phải rút lui về khu vực đồi núi sa mạc Tal Al-Assoud.
Theo thông báo của người đứng đầu Sở Chỉ huy tác chiến Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Nga Sergey Rudskoi, tính đến ngày 7-12 tại Syria không còn một điểm dân cư hay khu vực nào phải chịu sự kiểm soát của IS. Những phiến quân cuối cùng đã bị tiêu diệt ở thành trì Deir Ez-Zor. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định IS đã bị “nghiền nát” trên cả hai bờ sông Euphrates của Syria. Nỗ lực chấm dứt chiến sự tại quốc gia đầy bất ổn này đang bước vào giai đoạn mới khi trọng tâm chuyển từ can thiệp quân sự sang tiến trình chính trị. Qua đó, đặt nền móng giúp Syria tìm kiếm một tương lai tươi sáng và chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài gần 7 năm.
Nhìn lại những gì xảy ra tại Syria kể từ khi làn sóng đảo chính mang tên Mùa xuân Arab làm chao đảo cả Trung Đông và Bắc Phi, có thể thấy năm 2015 là thời điểm Damascus đứng trước cục diện u ám nhất. Khi đó, quân đội Syria ngày càng mất dần lãnh thổ, rơi vào tay phe đối lập và các nhóm phiến quân Hồi giáo. Thay vì ở thế tấn công tiêu diệt khủng bố, quân đội Chính phủ lại rơi vào thế buộc phải phòng thủ trước đòn tấn công của cả IS và các nhóm nổi dậy thân Mỹ và Châu Âu. Chính quyền của Tổng thống B.Assad liên tiếp mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn, trong khi căn cứ cuối cùng của họ ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria cũng bị Mặt trận Al-Nusra - tổ chức khủng bố thân Al-Qaeda chiếm giữ. Tổ chức này thậm chí kiểm soát tuyến đường chính nối từ Latakia tới Idlib, cùng phần lớn vùng Đồng bằng Sahl Al-Ghab ở phía Đông Nam đất nước.
Sau kinh nghiệm xương máu khi bị "sa lầy" tại chiến trường Afghanistan vào những năm 80 của thế kỷ trước, lý do khiến Nga một lần nữa quyết định điều quân tham chiến tại nước ngoài là để giải cứu Chính phủ Tổng thống Syria B.Assad, tránh để đồng minh thân cận của Mátxcơva ở Trung Đông phải lặp lại kịch bản tương tự như Libya. Thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, Nga từng có thời kỳ phải ngậm ngùi đứng nhìn nhiều khu vực từng nằm trong tầm ảnh hưởng của mình bị thu hẹp. Bảo vệ Damascus đồng nghĩa với việc Mátxcơva có thể duy trì một căn cứ hải quân ở Cảng Tartus, phía Nam Latakia của Syria. Đây là căn cứ ở nước ngoài xa nhất của Nga và là cứ điểm quan trọng giúp Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của hải quân Nga sải tay ra Địa Trung Hải.
Sự can thiệp của Nga vào Syria đã thực sự thay đổi cuộc chơi tại Trung Đông. Nói cách khác, Mỹ và liên quân đã mất thế độc tôn tại khu vực này. Chiến thắng trước IS sẽ tạo ra bước ngoặt lớn đối với Syria, giúp Nga và chính quyền Tổng thống B.Assad có thêm tiếng nói trên bàn đàm phán hòa bình bằng các giải pháp ngoại giao và chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.