(HNM) - Trong bối cảnh uy tín suy giảm, ngày 25-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kế hoạch cải cách nhằm mang lại ổn định cho đất nước hình lục lăng sau một năm đầy sóng gió.
Trong bài phát biểu dài 20 phút được tường thuật trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống E.Macron đề cập tới nhiều vấn đề, song đáng chú ý nhất là cam kết cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, cũng như xem xét lại quyết định cắt giảm thuế đoàn kết cộng đồng nhắm tới những người có thu nhập cao vào năm 2020. Ông cũng sẽ cân nhắc lại chính sách lương hưu và trao thêm tiếng nói cho người dân trong lĩnh vực lập pháp.
Tổng thống Pháp E.Macron vừa đưa ra kế hoạch cải cách nhằm mang tới những thay đổi tích cực cho nước Pháp. |
Theo các nhà phân tích, kế hoạch cải cách của người đứng đầu nước Pháp là sự nhượng bộ trước sức ép của những người biểu tình áo vàng đang khuấy đảo Paris và nhiều thành phố lớn khác suốt nửa năm qua. Lẽ ra bài phát biểu quan trọng này được thực hiện vào tối 15-4 song đã buộc phải tạm hoãn do vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhiều người tin rằng, các cuộc biểu tình áo vàng sẽ chấm dứt sau sự kiện đáng tiếc này, nhưng cuối tuần qua, thêm một lần nữa người dân Pháp phải chứng kiến thủ đô hoa lệ chìm trong bạo động và các vụ đốt phá của những kẻ quá khích. Người biểu tình thậm chí còn lên kế hoạch tổ chức phản đối Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Biarritz vào cuối tháng 8-2019. Vì vậy, không ít cử tri hy vọng bài phát biểu của Tổng thống E.Macron sẽ mang tới những thay đổi tích cực cho nước Pháp.
Không chỉ có phong trào “áo vàng”, năm qua, trên quê hương của Gà trống Gaulois đã diễn ra nhiều cuộc đình công, biểu tình của nhân viên đường sắt, hàng không, giáo dục... nhằm phản đối biện pháp cải tổ của Chính phủ. Điều đó cũng phản ánh phần nào tâm trạng hoài nghi của người dân Pháp đối với Tổng thống đương nhiệm. Đáng lo ngại, những thành phần cực đoan và chống đối Chính phủ, lợi dụng cơ hội “té nước theo mưa” để tổ chức những hành động đập phá, khiêu khích, tấn công cảnh sát, gây mâu thuẫn trong xã hội. Hậu quả là kể từ khi trúng cử lãnh đạo nước Pháp (tháng 5-2017), vị Tổng thống trẻ tuổi nhất của nền Đệ ngũ Cộng hòa đã phải 3 lần điều chỉnh, tổ chức lại nội các.
Mặc dù đưa ra nhiều quyết định kịp thời sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng dường như tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp E.Macron không được cải thiện. Cụ thể, theo cuộc thăm dò của Hãng Ifop thực hiện, chỉ 29% số người được hỏi tỏ ra hài lòng với cách điều hành hiện nay của ông E.Macron, trong khi đó tới 69% có ý kiến ngược lại. Kết quả này không thay đổi so với cuộc thăm dò gần nhất hồi tháng 3-2019. Ngoài cuộc khảo sát của Ifop, các cuộc thăm dò khác được công bố cuối tuần qua cũng không cho thấy tín hiệu khả quan đối với nhà lãnh đạo Pháp. Theo kết quả thăm dò của Opionway, chỉ 27% người dân Pháp hài lòng với Tổng thống, mức tín nhiệm thấp nhất trong nhiệm kỳ của ông tính đến nay. Trong khi đó, kết quả khảo sát của BVA nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chỉ dừng ở mức 32%. Tỷ lệ này tương đối thấp nếu so với mức trên 60% mà Tổng thống E.Macron từng nhận được sau khi nhậm chức năm 2017.
Hiện tại, dư luận Pháp coi kế hoạch cải cách của Tổng thống E.Macron là động thái đầy thiện chí cho “hồi thứ 2” của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, để thực sự hóa giải được thực trạng đất nước đang bị chia rẽ cũng như thực hiện được những bước đi đột phá mang lại luồng gió mới cho đất nước gần 70 triệu dân, nhà lãnh đạo này còn phải vượt qua nhiều thách thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.