Tổng thống Ukraine Zelensky đã đưa ra bình luận đầu tiên về đề xuất gửi lực lượng mặt đất từ các nước phương Tây tới Ukraine của người đồng cấp Pháp Macron.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu, ông Zelensky nói rằng, bất kỳ sáng kiến nào của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tăng cường sức mạnh cho Ukraine trong việc đẩy lùi các lực lượng Nga sẽ có lợi cho toàn thế giới.
Người đứng đầu Nhà nước Ukraine cho biết, ông không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh (nơi ông Macron đưa ra ý tưởng nêu trên), nhưng theo ông Zelensky, Tổng thống Pháp đã nói rằng, khi đến Ukraine (dự kiến vào giữa tháng 3 tới), ông ấy sẽ thảo luận về những ý tưởng mới nhằm củng cố Ukraine và chia sẻ thông tin.
Theo tờ Ukrainska Pravda, cũng tại cuộc họp báo nêu trên, ông Zelensky còn lưu ý, trước đây cá nhân ông đã có cuộc gặp tốt đẹp với Tổng thống Macron và hai người đã thảo luận về nhiều sáng kiến nhằm củng cố tình hình trên chiến trường Ukraine. Đồng thời, sáng kiến cơ bản chính hiện nay là các đối tác phải thực hiện các thỏa thuận trước đây về việc cung cấp vũ khí kịp thời cho Ukraine.
Trước đó, trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris hôm 26-2, Tổng thống Pháp Macron không loại trừ khả năng đưa quân nhân NATO tới Ukraine để ngăn chặn chiến thắng của Nga. Theo CNN, sau phát biểu của ông Macron, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều nhắc lại rằng, Tổng thống Joe Biden đã loại trừ việc điều quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự này không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine. Nhiều lãnh đạo châu Âu khác như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng bày tỏ không có chủ trương cử binh sĩ tham chiến.
Video Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không loại trừ khả năng đưa quân nhân NATO tới Ukraine để ngăn chặn chiến thắng của Nga. Nguồn: Reuters
Kênh Al Jazeera đánh giá, việc điều binh sĩ đến Ukraine là điều cấm kỵ, đặc biệt trong bối cảnh NATO tránh bị lôi kéo vào xung đột rộng hơn với Nga. Và NATO sẽ chỉ tham gia khi cả 31 thành viên đều nhất trí.
Về phần mình, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng, một cuộc xung đột trực diện giữa NATO và Nga là không thể tránh được nếu khối quân sự này điều binh sĩ tới Ukraine.
Trong bối cảnh quan điểm của Tổng thống Macron không nhận được nhiều ủng hộ, Chính phủ Pháp đã nỗ lực làm rõ phát biểu của nhà lãnh đạo này.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ngày 27-2 nêu rõ, Tổng thống Macron đề cập đến việc điều binh sĩ, nhưng cho một số nhiệm vụ đặc thù, ví dụ như dò mìn, sản xuất vũ khí và an ninh mạng.
Bà Sejourne phân tích: “Những công việc này đòi hỏi hiện diện của binh sĩ trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu. Việc điều binh sĩ không nhằm phát động chiến tranh chống Nga”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.