Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ mặt đô thị Hà Nội còn nhếch nhác, năng lực quản lý yếu

Hương Anh| 18/09/2014 16:41

(HNMO) - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng với quá trình phát triển và đô thị hóa, TP Hà Nội đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức...

Trong khi đó, nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn và khan hiếm, năng lực thực thi, nhất là quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành đô thị còn hạn chế. Những bất cập và tồn tại trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị như: giữa bảo tồn và phát triển, giữa bản sắc và tiên tiến, giữa kinh tế xã hội và đô thị, giữa luật pháp cơ chế chính sách và thực tiễn, giữa dân chủ và kỷ cương... đang là những vấn đề nổi lên, thậm chí là thách thức không nhỏ cần phải nỗ lực vượt qua.

Những ý kiến trên được Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nêu ra tại Hội thảo “Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển 1954-2014”, diễn ra sáng 18/9, do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đồng tổ chức.


Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng cho biết, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chung và đang triển khai 35 quy hoạch phân khu và 5 đô thị vệ tinh... theo quy định của Chính Phủ. Quy hoạch chung là định hướng cho toàn thành phố, còn quy hoạch phân khu phải cụ thể hóa, có tính sáng tạo. Điều này đến nay vẫn chưa đạt được như mục tiêu mong muốn vì thời gian gấp, khối lượng công việc nhiều.

“Bộ Xây dựng cũng đã có những đề xuất với Thủ tướng, khi nói đến Hà Nội là nói đến Hồ Gươm, Hồ Tây, phố cổ... và trong quy hoạch chúng tôi đề xuất có hàng chục hồ giống như Hồ Gươm, Hồ Tây, có những khu phố như phố cổ nhưng phải phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt Nam hiện đại, để đến những dịp lễ hội, du khách đến Hà Nội không phải tập trung về Hồ Gươm, Hồ Tây nữa” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng nhận xét: “Đã có thời kỳ Hà Nội lấp đi nhiều hồ. Đến bây giờ đã tốt hơn rồi, nhưng ở những khu quy hoạch mới lại chưa có nhiều hồ. Vấn đề tiếp theo là môi trường xanh và cây xanh, đường phố lập ra nhưng cây xanh ít quá, bài học của Thái Lan và Hàn Quốc về bê tông hóa, họ cũng đã ân hận về chuyện cây xanh. Cây xanh của Hà Nội còn ít. Chiến lược về kinh tế-xã hội được đề ra và trên nền chiến lược đó có quy hoạch tổng thể như giao thông, thoát nước, cây xanh... Chúng ta có Kiến trúc sư trưởng thành phố là một ý tưởng rất hay. Theo tôi quy hoạch tổng thể của các đô thị, thành phố lớn nên được Quốc hội thông qua”.

Nói về những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý kiến trúc, KTS Bùi Xuân Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội bày tỏ: Mặc dù, bộ mặt kiến trúc đô thị về cơ bản đã theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hình ảnh chưa tốt: Nhiều khu vực, tuyến phố còn nhếch nhác, đặc biệt là tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo...; Công tác kiến trúc đô thị, cảnh quan, công trình... còn nhiều hạn chế khi chưa làm rõ yếu tố truyền thống đặc trưng của Hà Nội; Nhiều công trình hiện diện nhưng chưa có một khu vực được tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.

Ông Trung thừa nhận, có nhiều nguyên nhân cả về kinh tế, đầu tư nóng vội không theo quy hoạch nhưng các nguyên nhân chính, đó là do năng lực, trình độ quản lý các cấp còn hạn chế; công tác quy hoạch chưa đi trước một bước, văn bản pháp lý chưa được ban hành kịp thời hoặc chưa đầy đủ, quản lý đô thị vẫn nặng về các chỉ tiêu quy hoạch chứ chưa chú trọng đến kiến trúc công trình… nên thiếu công cụ để quản lý. Thêm vào đó là ý thức xây dựng đô thị văn minh của một số cá nhân, tổ chức còn chưa cao và công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện kiên quyết triệt để, xử phạt chưa đủ mức răn đe, ngăn ngừa. Tất cả đã dẫn đến những bất cập nêu trên, cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ kịp thời và thực hiện nhanh chóng nhằm nâng cáo chất lượng công tác quản lý quy hoạch - kiến trúc của Thủ đô thời gian tới.

Mặt khác, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam cũng nhận xét: “Chúng ta chưa bằng lòng với sự phát triển của Hà Nội và chúng ta đã xây dựng một khối lượng về giao thông, dân dụng nhà ở, công trình... rất lớn. Chúng ta đã làm được rất nhiều nhưng với những người làm công tác quản lý, chúng ta cần phải để Hà Nội xứng đáng với tầm nhìn mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại”.

- Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu và tầm nhìn là: Đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại; một mô hình đô thị đa cực, kết nối bằng hệ thống giao thông vành đai với hướng tâm, các không gian xanh, vành đai xanh, nêm xanh; một trung tâm chính trị hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; một đầu tầu kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế và một đô thị đáng sống trong khu vực. Đây là cơ sở quan trọng để Thành phố phát triển đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

- Lần đầu tiên và từ rất sớm sau khi Quy hoạch chung được duyệt, TP đã chỉ đạo tổ chức triển khai lập 01 đồ án quy hoạch chi tiết với quy mô rất lớn (quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; con đường sẽ được vinh dự mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp); đánh dấu tư tưởng chiến lược trong việc chuyển trọng tâm phát triển sang phía Bắc sông Hồng; tạo mũi nhọn - động lực không chỉ cho phát triển đô thị mà cả phát triển kinh tế - xã hội một cách có trọng điểm.

- Theo Viện quy hoạch Hà Nội: Quy mô dân số tối đa của Hà Nội (năm 2050) đạt khoảng 11 triệu người, trong đó dân đô thị khoảng 7,5 triệu người. Đến năm 2030 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 34.900 ha, đất ngoài dân dụng 20.300ha.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ mặt đô thị Hà Nội còn nhếch nhác, năng lực quản lý yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.