Chính trị

Tăng nội dung quy định cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch trong Dự thảo Luật Thủ đô

Thu Hằng 15/04/2024 18:00

Ngày 15-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” lần thứ ba.

khai-mac(1).jpg
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu khai mạc. Ảnh: Thu Hằng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, đến nay, Dự thảo Luật Thủ đô đã được biên soạn và chỉnh sửa 3 lần, trong đó, bản dự thảo lần 3 (tháng 4-2024) được bổ sung, chỉnh sửa gồm 7 chương và 54 điều.

Ban soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã hoàn thiện 3 nhóm vấn đề lớn: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, tạo cơ chế cho Thủ đô chủ động giải quyết công việc của thành phố; huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô; tạo nhiều cơ chế đặc thù để huy động tối đa nguồn lực (tài chính, đất đai, tài sản công, nguồn nhân lực chất lượng cao...), khai thác triệt để ưu thế, lợi thế, tiềm năng, thế mạnh để giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô, phát triển đô thị theo hướng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Để các chính sách bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, các chuyên gia, các nhà khoa học đề nghị hoàn thiện Dự thảo Luật theo hướng làm rõ tính vượt trội, đặc thù để Thủ đô phát triển, trong đó có đột phá về các cơ chế, chính sách về tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, kiến trúc…

dn-nghiem(1).jpg
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phát biểu. Ảnh: Thu Hằng.

Phát biểu tại hội thảo, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam nhận xét, quá trình nghiên cứu sửa đổi Dự thảo Luật Thủ đô đã được thành phố thực hiện nghiêm túc, khoa học, dân chủ, tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đóng góp. Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Song, cũng còn một số tồn tại trong các vấn đề về: Quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô (điều 17), Quản lý sử dụng không gian ngầm (điều 18), Tái thiết đô thị (điều 20), Bảo vệ môi trường (điều 28), Phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (Điều 31), Liên kết phát triển Vùng (Chương V)…, cần được rà soát, cập nhật thông tin mới (tham khảo Luật Đất đai 2024) và nghiên cứu kỹ hơn.

o-dmtam.jpg
PGS.TS Doãn Minh Tâm trình bày ý kiến. Ảnh: Thu Hằng.

Theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành giao thông, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đã và đang duy trì một hệ thống khoảng 150 văn bản Luật khác nhau. Do vậy, việc bổ sung các chính sách mới và luật hóa để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bảo đảm đáp ứng tất cả quy định hiện hành và thể hiện được các điểm đặc biệt, như bổ sung một số cơ chế đặc thù để áp dụng cho Vùng Thủ đô phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

PGS.TS Doãn Minh Tâm cho rằng, trong bố cục nội dung dự thảo Luật Thủ đô, nội dung quan trọng nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho các hoạt động về quy hoạch, quản lý và phát triển Thủ đô mới chiếm tỷ lệ 41% toàn bộ nội dung của dự thảo Luật.

“Như vậy, về mặt tổng quát, nội dung Chương III - liên quan lĩnh vực quy hoạch xây dựng và quản lý, phát triển đô thị - chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vấn đề có tính thời sự cần được định hướng giải quyết trong giai đoạn từ 2020-2040 thông qua Luật Thủ đô chưa được đề cập và quy định, chưa thực sự tạo dựng được các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù để có thể yên tâm phát triển toàn diện Hà Nội. Do đó, nên điều chỉnh bố cục nội dung của dự thảo Luật hợp lý hơn, với hàm lượng Chương III chiếm tỷ lệ từ 60-65% toàn bộ nội dung dự thảo Luật” - TS Tâm nhấn mạnh.

pvtan.jpg
TS Phạm Văn Tân tham luận. Ảnh: Thu Hằng.

TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn thống nhất với việc bổ sung, sửa đổi, thêm một số điều liên quan đến 9 nhóm chính sách lớn mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra. Tuy nhiên, có nhiều quy định trong Dự thảo Luật không đồng bộ, thiếu thống nhất với các quy định của các luật hiện hành, như quy định về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân; số lượng, cơ cấu thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; về bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường; về thành phố thuộc Thành phố; về chính quyền cấp huyện, xã; về phát triển khoa học và công nghệ; phát triển y tế Thủ đô; bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai; phát triển nhà ở; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô...

quang-canh-1-.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Hằng.

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với thành phố. Liên hiệp Hội thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét.

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng nội dung quy định cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch trong Dự thảo Luật Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.