Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu Chính phủ lâm thời Libya: Thời khắc lịch sử

Minh Hiếu| 08/02/2021 06:55

(HNM) - Cơ chế đối thoại mang tính xây dựng do Liên hợp quốc bảo trợ chọn ra được người đứng đầu Hội đồng tổng thống và Chính phủ lâm thời cho Libya được coi là thời khắc lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Bắc Phi sau gần 10 năm chìm trong nội chiến, hướng tới cuộc bầu cử quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Diễn biến mới nhất tại Libya được hoan nghênh là bước đi đúng hướng trong lộ trình hòa bình tại quốc gia này.

Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tuần trước đã bỏ phiếu bầu chọn Hội đồng Tổng thống gồm 3 thành viên và 1 thủ tướng, theo lộ trình đã được thông qua hồi tháng 11-2020. Việc bầu cơ quan tạm quyền giám sát Libya nằm trong nỗ lực tái thiết các thể chế nhà nước và tiến đến cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 24-12 tới.

Theo danh sách được Liên hợp quốc công bố, có 24 ứng cử viên chạy đua cho 3 vị trí trong Hội đồng Tổng thống và 21 người cạnh tranh cho vị trí thủ tướng. Kết quả bỏ phiếu của 74 đại biểu LPDF do Liên hợp quốc chỉ định để đại diện cho các khu vực, bộ lạc và phe phái chính trị tại Libya, ông Mohammad Younes Menfi được chọn làm người đứng đầu Hội đồng Tổng thống và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah làm Thủ tướng.

Đặc phái viên Liên hợp quốc kiêm người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Stephanie Williams gọi đây là một thời khắc lịch sử tiếp theo trên con đường thống nhất đất nước chịu sự tàn phá của chiến tranh này. Đây là kết quả đạt được sau một thời gian dài đối thoại giữa các bên tại Libya với sự hậu thuẫn của Liên hợp quốc để giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất thế giới hiện nay. Từ năm 2014, quốc gia này tồn tại hai chính quyền song song. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Nga, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập... ủng hộ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lập tức hoan nghênh những diễn biến mới nhất tại Libya và gọi đây là bước đi đúng hướng. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các bên tham gia vào tiến trình hòa bình Libya tôn trọng kết quả của cuộc bỏ phiếu, giữ vững các nguyên tắc và lộ trình đã được thống nhất, hướng tới cuộc bầu cử dân chủ sẽ diễn ra vào ngày 24-12. Ông A.Guterres cũng tái khẳng định cam kết của Liên hợp quốc và LPDF trong việc hỗ trợ người dân Libya trong nỗ lực xây dựng một đất nước hòa bình và thịnh vượng. Hàng loạt quốc gia tại khu vực và trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… cũng lên tiếng ủng hộ những diễn biến chính trị tại Libya và coi đây là bước tiến quan trọng mang lại hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này.

Theo kế hoạch, trong vòng 21 ngày, Thủ tướng Libya sẽ phải thành lập nội các và trình bày chương trình làm việc của mình. Chính phủ lâm thời sẽ có 10 tháng để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới. Hiện có những lo ngại về việc Chính phủ lâm thời do LPDF lựa chọn phải chịu sự chi phối bởi lợi ích phức tạp từ các quốc gia bảo trợ bên ngoài, đồng thời các lực lượng trong nước cũng không muốn từ bỏ ảnh hưởng của mình. Bên cạnh việc giám sát công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ưu tiên của Chính phủ lâm thời là khởi động một quá trình hòa giải dân tộc và hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn vốn đã có hiệu lực từ tháng 10 năm ngoái...

Dù con đường tiến tới hòa bình trong thời gian tới còn nhiều chông gai và thách thức, song kết quả đạt được đã cho thấy cam kết thực sự từ các bên liên quan. Ưu tiên hiện nay là duy trì nỗ lực đối thoại, giữ vững lệnh ngừng bắn để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử vào cuối năm nay, giúp nắm bắt cơ hội hòa bình cho người dân Libya.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu Chính phủ lâm thời Libya: Thời khắc lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.