Thế giới

Lũ lụt ở Libya: Phần nổi của tảng băng chìm

Hoàng Linh 21/09/2023 - 07:08

Lũ lụt vừa qua ở Libya khiến hơn 11.300 người thiệt mạng tuy kinh hoàng nhưng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi châu Phi hiện không những là “điểm mù” trong công tác dự báo, dự phòng thảm họa tự nhiên, mà còn đang là "vùng trũng" trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của nhân loại.

Châu Phi trong thời gian tới được dự báo còn phải đối mặt nhiều thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu.

libya.jpg
Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng tại thành phố Derna (Libya).

Ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra, trong đó châu Phi được xem là điểm nóng.

Trong các phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis… và nhiều nhà lãnh đạo khác đã nhắc tới hậu quả tàn khốc của những trận lũ lụt gần đây ở Lục địa đen, trong đó nhấn mạnh tới kết luận của giới khoa học về việc biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão tàn phá dữ dội hơn bao giờ hết.

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu bày tỏ đau buồn trước những mất mát của các nước Nigeria, Morocco và Libya, đồng thời kêu gọi thế giới chung tay hợp tác với châu Phi ứng phó biến đổi khí hậu, vốn được xem là nguyên nhân chính của các thảm kịch.

Dĩ nhiên, nỗ lực này với châu Phi không đơn giản, bởi khu vực này đang được xem là “vùng trũng” trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng, từ năm 1991 đến 2022, lục địa với 1,2 tỷ dân đang nóng lên nhanh hơn phần còn lại của toàn cầu, dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan. Vùng Sừng châu Phi và khu vực phía Đông đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng khiến người dân thiếu lương thực và nước sạch, còn khu vực phía Nam châu Phi đang phải đối mặt những trận bão nguy hiểm với tần suất ngày càng tăng.

Trong khi đó, Lục địa đen tới nay vẫn chưa thể tự bảo vệ trước những rủi ro khí hậu. Dù có diện tích rộng lớn hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cộng lại, nhưng châu Phi đang sở hữu hệ thống quan sát thời tiết kém phát triển nhất thế giới. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Phi chỉ có 37 trạm radar theo dõi thời tiết, ít hơn nhiều so với châu Âu (345 cơ sở) hay Bắc Mỹ (291 cơ sở ), dù đây là một công cụ thiết yếu để dự báo rủi ro bên cạnh dữ liệu vệ tinh và giám sát bề mặt.

Hệ quả là, việc thiếu hệ thống cảnh báo và giám sát thời tiết ở các quốc gia như Somalia và Mozambique, luôn là một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng nghìn người thiệt mạng trong các thảm họa như bão và lũ lụt. Năm 2019, khi cơn bão Idai tấn công miền Trung Mozambique, người dân nhận được rất ít hoặc không nhận được cảnh báo và việc trở tay không kịp dẫn tới hơn 1.000 người thiệt mạng. Những hạn chế về dữ liệu thời tiết cũng đang là rào cản đối với việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong trận lũ lụt khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Congo và Rwanda hồi tháng 5-2023.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhận định, việc thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp là nguyên nhân chính khiến số nạn nhân trong các thảm họa lũ lụt tồi tệ tăng cao, điển hình là sự việc tại Libya vừa qua.

Ở góc độ vĩ mô, nhiều ý kiến đánh giá, châu Phi đang gánh chịu “sự bất công nhức nhối của cuộc khủng hoảng khí hậu”. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres từng nhận định, các quốc gia châu Phi hầu như không đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu (chỉ chiếm khoảng 3,9% lượng phát thải CO2), nhưng lại ở tuyến đầu của những cơn bão, hạn hán và lũ lụt. Thực trạng này đặc biệt rõ nét kể từ đầu năm 2023, khi hàng loạt quốc gia ở Lục địa đen gánh chịu thảm họa tự nhiên chỉ trong một thời gian ngắn. Một số ước tính chỉ ra biến đổi khí hậu sẽ khiến châu Phi thiệt hại hơn 50 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, thời điểm dân số khu vực này dự kiến tăng gấp đôi so với hiện nay. Trong khi đó, tiềm năng dồi dào của lục địa này về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, hầu như chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng mức.

Trong bối cảnh đó, hiển nhiên vấn đề cấp thiết trước mắt là làm thế nào hợp tác hiệu quả với châu Phi trong tăng cường thích ứng với rủi ro biến đổi khí hậu. Phía trước còn phải đối mặt nhiều thách thức lớn, nhưng cũng sẽ có không ít thuận lợi bởi mục tiêu này gắn liền với tiến trình thúc đẩy chuyển đổi xanh công bằng và bình đẳng trên toàn cầu, vốn đang nhận được sự quan tâm to lớn của toàn nhân loại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lũ lụt ở Libya: Phần nổi của tảng băng chìm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.