Giá dầu giảm nhẹ nhưng vẫn là chủ đề tranh luận gay gắt sau một loạt sự kiện có khả năng tác động đến thị trường.
Giới chuyên gia nhận định, sự khác biệt rõ rệt về chính sách năng lượng của ông Donald Trump so với chính quyền Tổng thống Joe Biden, sự sụp đổ của Chính phủ Syria cùng những quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC) đều có thể tạo ra sự không chắc chắn xung quanh việc dự báo giá dầu.
Giá dầu thô Brent tương lai giảm 13 cent, tương đương 0,2%, ở mức 72,01 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tương lai của Mỹ giảm 14 cent (0,2%) ở mức 68,23 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 10-12.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông góp phần làm gia tăng rủi ro cho giá dầu thô. Mặc dù Syria không phải là nước sản xuất dầu lớn, nhưng vị trí chiến lược cũng như liên minh với Nga và Iran khiến quốc gia này trở nên nhạy cảm với sự thay đổi quyền lực. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, chuyển giao quyền lực cho “Chính phủ cứu nguy” của lực lượng nổi dậy làm tăng thêm bất ổn trong khu vực.
Nhà kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research and Consulting Tomomichi Akuta cho biết: “Việc Saudi Arabia giảm giá và việc gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC vào tuần trước đã nhấn mạnh nhu cầu yếu từ Trung Quốc, cho thấy thị trường có thể dịu lại vào cuối năm”. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 6,7% và nhập khẩu giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11-2024. Mới đây, Bắc Kinh cũng công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng yếu hơn dự kiến, nhấn mạnh nhu cầu trong nước đang trì trệ.
Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhu cầu của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường dầu thô. Lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trung bình đạt 10,94 triệu thùng/ngày trong 10 tháng năm 2024, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhập khẩu của tháng 11-2024 đạt mức cao nhất trong 4 tháng là 11,62 triệu thùng và S&P Global dự báo, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể tăng 1,7% lên 17,59 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Triển vọng cải thiện này phản ánh các biện pháp kích thích đang diễn ra của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại, OPEC, tổ chức cung cấp khoảng một nửa lượng dầu của thế giới, đã quyết định hoãn tăng sản lượng thêm 3 tháng và hoãn phục hồi hoàn toàn sản lượng đến cuối năm 2026. "Cuối cùng, thị trường sẽ tập trung vào các yếu tố về cầu vì OPEC đã cố gắng điều chỉnh nguồn cung để tăng giá, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả...", nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com Kyle Rodda cho biết.
Cùng với đó, các nhà đầu tư đang theo dõi những dấu hiệu từ chính sách năng lượng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Rất có thể chính quyền mới ở Mỹ sẽ ưu tiên kích thích sản xuất dầu khí trong nước nhiều hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Điều này phù hợp với chính sách của ông Donald Trump trong sản xuất và giải quyết thâm hụt thương mại. Phục hồi khu vực công nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế xứ Cờ hoa có thể là những mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump. Nguồn cung tăng trên thị trường, cùng với những nỗ lực mở rộng xuất khẩu năng lượng của Mỹ sẽ tạo áp lực giảm giá dầu.
Giáo sư kinh tế Elshad Mammadov của Azerbajan nhận định: “Sau cuộc cách mạng đá phiến, Mỹ đã nổi lên như một nhân tố chủ chốt trên thị trường dầu khí toàn cầu. Đối trọng hiệu quả duy nhất đối với ảnh hưởng của Mỹ là Liên minh OPEC, nhằm mục đích trung hòa nguồn cung đang mở rộng và ổn định giá cả. Mặc dù giá dầu không thể giảm xuống còn 40 USD/thùng trong ngắn hạn, nhưng áp lực giảm sẽ vẫn tiếp diễn trừ khi có những gián đoạn địa chính trị hoặc quân sự nghiêm trọng - một kết quả không thể loại trừ". Bình luận về những tác động của cuộc khủng hoảng Syria đối với thị trường dầu khí toàn cầu, Giáo sư Elshad Mammadov nhấn mạnh: "Trung Đông còn lâu mới đạt được sự ổn định. Các chính sách hung hăng của Israel và ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể làm gia tăng xung đột, dẫn đến các cuộc đối đầu quân sự - chính trị".
Giới chuyên gia nhận định, thị trường dầu mỏ về cơ bản được định hình bởi Mỹ - cường quốc luôn tìm cách kéo giá dầu xuống và OPEC luôn hướng đến mục tiêu ổn định giá. Việc duy trì sự cân bằng giữa hai thế lực này rất quan trọng đối với sự ổn định của thị trường dầu toàn cầu. Ngoài ra, không thể bỏ qua sự hỗn loạn kinh tế và địa chính trị. Những yếu tố này có khả năng thay đổi đáng kể động lực của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.