Nhiều quốc gia gấp rút huy động nguồn lực trợ giúp Libya, trong bối cảnh trận lũ lụt kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của hơn 6.000 người và khiến 10.000 người mất tích.
Ngày 14-9, theo CNN, Tunisia, quốc gia láng giềng ở phía Tây Libya, đã điều động lực lượng tìm kiếm và cứu hộ gồm 52 người, trong đó có một đội lặn và 3 bác sĩ. Hãng thông tấn nhà nước Libya LANA cho biết, 8 máy bay quân sự Algeria vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm, vật tư y tế, quần áo và lều bạt, cũng đã khởi hành đến quốc gia này.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Đức, Romania và Phần Lan, đã cung cấp lều, giường dã chiến, chăn, máy phát điện, thực phẩm và bể chứa nước thông qua Cơ chế Bảo vệ dân sự (CPM) của khối này. Ngoài ra, EU cũng cung cấp khoản viện trợ nhân đạo ban đầu trị giá 500.000 euro sau lời kêu gọi trợ giúp từ nhà chức trách Libya.
Cơ quan Quản lý khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) thông báo, máy bay mang theo hàng viện trợ nhân đạo đã đến Libya. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ điều động 168 đội tìm kiếm, cứu hộ và viện trợ nhân đạo.
Cục Bảo vệ dân sự Italia (CPD) xác nhận, quốc gia này đang cử một đội dân phòng tham gia hỗ trợ các hoạt động cứu hộ tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Libya.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli đã phát thông báo chính thức về nhu cầu nhân đạo tại Libya. Động thái này sẽ cho phép sử dụng nguồn tài trợ ban đầu của xứ Cờ hoa đối với các hoạt động cứu trợ ở quốc gia Bắc Phi.
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Zayed Al Nahyan cũng đã chỉ đạo huy động các đội viện trợ, tìm kiếm và cứu hộ, đồng thời gửi lời chia buồn tới những nạn nhân của trận lũ lụt.
Trước những diễn biến còn nhiều phức tạp, Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) khẩn cấp kêu gọi cộng đồng toàn cầu chung tay ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang diễn ra ở Libya.
Giám đốc IRC tại Libya Elie Abouaoun đã bày tỏ quan ngại về nhu cầu được bảo vệ đối với các nạn nhân, đặc biệt trong bối cảnh hàng nghìn phụ nữ và trẻ em đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm sự an toàn.
Cũng theo IRC, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải nên không thể đáp ứng yêu cầu điều trị của các nạn nhân. Nguy cơ về các bệnh lây truyền qua đường nước cũng khiến hệ thống y tế Libya thêm căng thẳng.
Cập nhật thông tin về lũ lụt, The Guardian cho biết, thảm họa thiên nhiên tàn khốc đã khiến 10.000 mất tích, trong khi số người thiệt mạng ước tính có thể lên đến 20.000 trường hợp. Trong bối cảnh mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn so với dự đoán ban đầu, công cuộc tái thiết những khu vực bị lũ lụt tàn phá sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) xác nhận, ít nhất 30.000 người tại thành phố Derna chịu tác động nặng nề nhất đã phải sơ tán. 6.085 người tại các khu vực khác, bao gồm thành phố Benghazi, cũng phải rời bỏ nơi ở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.