(HNM) - “Hà Nội thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX”, “Kháng chiến”, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội”… là những chủ đề trưng bày cơ bản mà Bảo tàng Hà Nội ấp ủ giới thiệu với công chúng đúng dịp Thủ đô kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2019).
Bảo tàng Hà Nội thu hút đông đảo khách tham quan. |
Chuyên sâu và hấp dẫn
Nếu như “Hà Nội thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX” được đặc tả bằng những làng nghề, phố nghề truyền thống, thành quách hay sự giao thoa văn hóa Đông - Tây tác động lên nếp ăn, ở, sinh hoạt của cư dân Hà Nội, thì trong chủ đề “Kháng chiến”, Bảo tàng Hà Nội dùng chính xác máy bay B.52, tiếng còi báo hiệu “có máy bay địch”, âm thanh bom dội và hình ảnh phố phường đổ nát sau những trận không kích… để kể câu chuyện đã đi vào lịch sử. Tất cả nhằm mang tới cho khách tham quan cách hiểu chân thực, giàu cảm xúc về Thủ đô trong từng thời khắc lịch sử, những gì đã góp phần tạo nên phẩm chất, tính cách, khí phách Hà Nội.
Trong khi đó, chủ đề “Xây dựng chủ nghĩa xã hội” khiến khách tham quan bị cuốn hút ngay khi bước vào mạch chuyện. Sức hấp dẫn không chỉ đến từ sự “thay da, đổi thịt” của thành phố sau giải phóng, mà còn bởi những vật dụng, hình ảnh gợi nên nỗi lo toan, thiếu thốn mà thân thương của một thời bao cấp. Đơn cử như đề mục “Khu tập thể”, khách tham quan không chỉ được gặp lại hình ảnh những khu tập thể “rất Hà Nội” một thời, như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ…, với hiệu may vá hay cửa hàng tạp hóa, mà còn có thể hình dung rõ hơn về vai trò của khu tập thể trong lịch sử Hà Nội, sự biến đổi của nó dưới tác động của thời cuộc.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học, thành viên Hội đồng tư vấn trưng bày Bảo tàng Hà Nội, cho biết: Phần trưng bày về khu tập thể sẽ không bó hẹp trong thời bao cấp mà mở rộng chiều thời gian nhằm giúp người xem thấy được sự thay đổi đáng kinh ngạc của loại hình nhà ở này cùng khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Sự xuống cấp, phong trào cơi nới, lấn chiếm cũng như “ngã rẽ tương lai” của mỗi khu tập thể sẽ được dõi theo nhằm mang đến cho người xem câu chuyện đầy đủ, đa chiều...
Soi chiếu dòng chảy văn hóa, lịch sử
Nhằm giúp công chúng cảm nhận chân thực và sâu sắc nhất về bản sắc, hồn cốt mảnh đất Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội, Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia trưng bày bảo tàng tại Pháp và những chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, di sản Việt Nam, cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng, có thể đặt niềm tin rằng mục tiêu này sẽ sớm thành hiện thực.
Theo PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Xanh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), sau nhiều lần điều chỉnh, có thể thấy đến nay, đề cương dự kiến trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội đã thể hiện được chất lượng như kỳ vọng cũng như tính khả thi để triển khai thực hiện. Cách tổ chức trưng bày tiếp cận theo hướng xã hội học đô thị chứ không theo trình tự lịch sử cũng là một mô típ hứa hẹn hiệu quả khi không buộc người xem phải bám theo “khung” kịch bản cố định, mà có thể tự chọn nội dung mình quan tâm. Thêm vào đó, trong nội dung trưng bày có nhiều chủ đề hay, không trùng với bất kỳ bảo tàng nào, như chủ đề “Hà Nội thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX” là một ví dụ. “Thông qua hiện vật, mô hình phục dựng và cách thức trưng bày, chủ đề này toát lên diện mạo kinh tế, văn hóa… của cả một giai đoạn lịch sử với những dấu ấn rõ nét về sự giao thoa văn hóa. Đây chính là một phần của Hà Nội mà tôi tin mọi người dân đã và đang biết về nó cũng đều muốn có thêm kiến thức”, PGS.TS.NGƯT Phạm Xuân Xanh nhận xét.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Theo kịch bản mới, nội dung trưng bày dự kiến có 7 chủ đề, thể hiện nhiều chiều, góc cạnh về Hà Nội. Hơn 3.500 hiện vật đang được lưu trữ và trưng bày ở Bảo tàng bảo đảm phần lớn nội dung cần thể hiện. Cùng với đó, để tăng tính hấp dẫn, các chuyên gia trong Hội đồng tư vấn còn áp dụng phương pháp tiếp cận đa giác quan để tăng cơ hội cảm thụ cho khách tham quan. Ở đó, mỗi tổ hợp trưng bày sẽ thực sự trở thành một không gian trải nghiệm, một địa chỉ tìm về ký ức với tất cả những cung bậc cảm xúc thân thương, gần gũi.
Dự kiến, từ nay đến giữa năm 2018, những hoạt động tiền trưng bày sẽ được gấp rút hoàn thiện. Song hành với công tác này, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức, duy trì một số nội dung trưng bày chuyên đề để thu hút du khách. Cùng với đó, Bảo tàng còn ra sách “Bảo vật Thăng Long - Hà Nội”, tái hiện một số bảo vật trên các sản phẩm lưu niệm với hình thức thu nhỏ… Từ giữa năm 2018, Bảo tàng sẽ tạm đóng cửa để tập trung cho công tác trưng bày, thiết kế… Tất cả nhằm để lại trong lòng công chúng Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước ấn tượng đậm nét nhất về Hà Nội đúng dịp Thủ đô kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.