(HNMO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến hết tháng 10-2022, cả nước có 17,16 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 1,6 triệu người, tương ứng với mức tăng 10,38% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 620.000 người, tương ứng với mức tăng 3,75% so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng nhanh, còn số người tham gia BHXH tự nguyện giảm gần 90.000 người so với thời điểm cuối năm trước.
Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt hơn 88,68 triệu người, tăng hơn 4,3 triệu người (2,18%) so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số, nhưng vẫn giảm hơn 152.000 người so với thời điểm cuối năm trước. Nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã sử dụng khoảng 79% dự toán được giao; song tại một số địa phương đã sử dụng hơn 90% dự toán.
Tỷ lệ thuận với số người tham gia các chính sách tăng lên là số thu tăng lên, lũy kế đến hết tháng 10-2022 là gần 344.436 tỷ đồng, đạt 81,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT còn cao, hiện chiếm 5,7% so với số tiền phải thu, trong đó, số nợ phải tính lãi chiếm 3,3%.
Để giảm tỷ lệ nợ, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra về đóng BHXH, tập trung đôn đốc thu nợ, cố gắng “chặn nợ mới, giảm nợ cũ”.
Về BHYT, trong 2 tháng cuối năm nay, BHXH Việt Nam hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu là học sinh, sinh viên (hiện còn khoảng 3 triệu người chưa tham gia); người đang tạm dừng tham gia BHYT dưới 3 tháng (hiện là gần 1 triệu người), thành viên các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Cùng với đó, BHXH các địa phương phối hợp với sở y tế tham mưu UBND tỉnh, thành phố có giải pháp bảo đảm thực hiện dự toán khám, chữa bệnh BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng trong lĩnh vực này trên địa bàn; thực hiện quyết toán năm 2022 và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.