Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội: Mang lại nhiều tiện ích

Vũ Minh 25/12/2023 - 06:52

Ghi những dấu ấn đậm nét trên lộ trình chuyển đổi số, ngành Bảo hiểm xã hội vừa góp phần kiến tạo, xây dựng chính phủ số, vừa nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động của ngành. Đây cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời phòng ngừa hành vi gian lận, trục lợi các nguồn quỹ.

doi-so.jpg
Ứng dụng công nghệ sinh trắc vân tay trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa (Hà Nội).

Nâng chất lượng phục vụ

Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần thực hiện 32 nhiệm vụ. Sau 2 năm triển khai Đề án 06 với tinh thần phối hợp, liên thông nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia các chính sách, ngành Bảo hiểm xã hội đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số. “Hiện tại, ngành đã hoàn thành 24 nhiệm vụ, còn 8 nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên và trong hạn, không có nhiệm vụ nào chưa hoàn thành”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin.

Kết quả đạt được của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số thể hiện rõ hơn từ những con số. Nổi bật là việc xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có 86,6 triệu người thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bằng 97% tổng số người tham gia các chính sách. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để các bên cùng khai thác, hưởng lợi.

Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, mang lại tiện ích, lợi ích cho nhiều phía. Ông Trần Hữu Vinh, trú tại xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Không may mắc một số bệnh mạn tính, tôi phải đi khám, điều trị nhiều lần/năm. Nếu như trước đây, khi đến cơ sở y tế mà quên thẻ, tôi phải về nhà lấy hoặc chuyển lịch khám vào ngày khác. Còn hiện nay, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VssiD - Bảo hiểm xã hội số hoặc ứng dụng định danh điện tử VneID, tôi có thể khám, chữa bệnh ở nhiều nơi”.

Đáng chú ý, từ kho dữ liệu liên thông trên môi trường số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của ngành; đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng cung cấp nhiều dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, dù ở bất cứ đâu, người dân, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện nhiều giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thậm chí, người dân chỉ cần đến bộ phận “một cửa” của xã, phường, thị trấn là có thể giải quyết cùng lúc nhóm thủ tục “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”...

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến đánh giá, nhờ nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, nguồn tài nguyên số phong phú, chất lượng phục vụ của ngành ngày càng nâng lên. Tại Hà Nội, chỉ số “mức độ hài lòng” của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây đạt hơn 90%...

Góp phần ngăn chặn hành vi trục lợi, lừa đảo

Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mà việc liên thông dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số còn giúp các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều hành vi lạm dụng, trục lợi các nguồn quỹ, hành vi lừa đảo người tham gia.

Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho hay, căn cứ vào kết quả giám định điện tử, ngành đã phát hiện, từ chối những khoản chi phí khám, chữa bệnh không đúng quy định với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Thông qua việc thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cơ quan Bảo hiểm xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội mới phát hiện một số trường hợp ở tỉnh Bình Dương sử dụng căn cước công dân giả làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Hiện, các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của những trường hợp này.

Về phía người dân, người lao động, khi dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của họ có trên môi trường số, đồng nghĩa mỗi người trở thành “giám sát viên” theo dõi quá trình đóng, hưởng các chính sách của bản thân. Khi phát hiện những thông tin bất thường, người dân có thể chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan để kiểm chứng thông tin. Gần đây nhất, một bệnh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh không bị mắc bẫy lừa nợ 29 triệu đồng tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhờ đối chiếu thông tin khám, chữa bệnh với cơ sở y tế mà bệnh nhân từng đến...

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, ngoài những giải pháp đang thực thi, ngành sẽ nghiên cứu ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình thực hiện các chính sách. Điều này thiết thực góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được chi đúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội: Mang lại nhiều tiện ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.