Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi cho người có công

Hiền Phương| 26/02/2017 07:10

(HNM) - Cả nước hiện có hơn 8 triệu người có công (NCC) với cách mạng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn còn một bộ phận nhỏ NCC vẫn chưa được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu: Trong năm 2017, các địa phương phải giải quyết cơ bản hồ sơ với liệt sĩ, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh đang tồn đọng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho NCC.

Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Chủ động, xác định đúng đối tượng

Theo Cục NCC (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến ngày 17-2-2017, cả nước còn 3.161 bộ hồ sơ tồn đọng xét công nhận là NCC. Vướng mắc chủ yếu là do hầu hết NCC không có giấy tờ theo quy định hiện hành để lập hồ sơ, hoặc hồ sơ không khớp nối với lịch sử trong khi người làm chứng đã già, không còn minh mẫn…

Để xử lý vấn đề này, năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 9 tỉnh, thành phố: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An, Tiền Giang, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Tổ công tác trung ương đã thống nhất xác nhận 86 trường hợp NCC với cách mạng, gồm: 75 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ. Sau thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra quy trình gồm 8 bước để giải quyết tồn đọng, bảo đảm công khai, khách quan và đúng đối tượng.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết hồ sơ tồn đọng, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho biết: Trong 626 hồ sơ tồn đọng của tỉnh thì hầu hết thiếu giấy tờ và người làm chứng nên việc giải quyết phải thận trọng, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Trước tiên, tỉnh rà soát từng hồ sơ, cử cán bộ về địa phương xác minh và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Khi không còn ý kiến thắc mắc và có cơ sở xác đáng, cơ quan chức năng sẽ công nhận NCC. Với cách làm đó, tỉnh đã trình Bộ LĐ-TB&XH xét 23 hồ sơ công nhận là liệt sĩ và đang hoàn tất thủ tục 24 hồ sơ xác nhận là thương binh.

Với tinh thần chủ động, Hà Nội là địa phương giải quyết khá hiệu quả những hồ sơ tồn đọng. Phó Trưởng phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Lê Minh Hương cho biết, trên địa bàn thành phố có gần 800 nghìn NCC, chiếm 10% dân số. Trong hai năm (2014-2015), Hà Nội đã tổng rà soát, có 99,8% NCC và thân nhân hưởng đúng chế độ ưu đãi. Thông qua rà soát, thành phố đã xem xét, giải quyết 64/64 trường hợp chưa được hưởng đầy đủ; 49/49 trường hợp hưởng sai; giải quyết chế độ chính sách đối với 1.624 trường hợp đề nghị xác nhận là NCC, 24 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 108 liệt sĩ, 327 thương binh, 573 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Ngoài ra, có 201 trường hợp phát sinh trong quá trình rà soát đề nghị các cấp xem xét xác nhận là NCC. Hiện tại, 100% trường hợp trên đều đã được các cấp giải quyết.

Hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc

Khách tham quan Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên), nơi trưng bày nhiều hiện vật và hình ảnh của những người đã hy sinh xương máu trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Thái Hiền


Xác định trách nhiệm của ngành đối với nhân dân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, trong năm 2017, sẽ vào cuộc cùng các cơ quan, địa phương giải quyết căn bản hơn 3.000 hồ sơ NCC tồn đọng.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Tý, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng của trung ương, hầu hết các hồ sơ còn tồn đọng đều rất phức tạp. Vì vậy, hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cần có sự giám sát, thẩm định của nhân dân; cần trách nhiệm đến cùng của những người thực hiện.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình Nguyễn Văn Bái cho biết thêm: Có những trường hợp chúng tôi phải nghiên cứu cả lịch sử Đảng bộ địa phương, thậm chí còn phải xác minh lý lịch, quá trình công tác của người làm chứng để bảo đảm khách quan. Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Đối với các trường hợp thiếu hồ sơ, ngoài trách nhiệm của những người thực hiện thì sự đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương cũng giúp ích nhiều cho quá trình giải quyết công nhận NCC.

Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương sẽ khoanh vùng hồ sơ để giải quyết. Trong đó, tập trung vào 2 dạng tồn đọng, đó là hồ sơ được thiết lập nhưng do thay đổi chính sách nên chưa cập nhật hoặc chưa được triển khai; hồ sơ đã được thiết lập xong nhưng thiếu giấy tờ, hiện do ngành LĐ-TB&XH hoặc Công an, Quân đội quản lý được thống kê, tập hợp đến ngày 17-2-2017. Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Mặt khác, do tính chất phức tạp của nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bắt đầu từ tháng 3-2017, các tỉnh, thành phố có trên 50 hồ sơ sẽ chọn làm điểm ở một địa phương cấp huyện hoặc tương đương để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong phạm vi toàn tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố có khoảng 10-50 hồ sơ thì Tổ công tác trung ương trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai. Trường hợp dưới 10 hồ sơ sẽ giao địa phương chủ động triển khai. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH các địa phương phải chịu trách nhiệm với Bộ trưởng về vấn đề này.

Giải quyết hồ sơ tồn đọng là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quyết tâm cao của Bộ LĐ-TB&XH và các cấp, các ngành, tin tưởng rằng, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay sẽ có thêm nhiều NCC được hưởng chế độ theo quy định. Điều đó, không chỉ mang lại niềm vui cho NCC và gia đình họ mà còn thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi cho người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.