Đô thị

Xây dựng huyện thành quận: Hướng tới mục tiêu dân giàu, kinh tế mạnhBài 4: Tìm giải pháp để bứt phá

Nhóm phóng viên 28/07/2023 - 06:23

Nhận thức rõ những khó khăn, các địa phương được lựa chọn đã chủ động phát huy thế mạnh, tìm ra những cách làm khoa học để hoàn thành mục tiêu phát triển thành quận theo đúng kế hoạch của thành phố Hà Nội.

Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển huyện thành quận, xã thành phường được triển khai hiệu quả, thực chất cũng đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân các địa phương được nâng lên; qua đó, củng cố niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

gia-lam.jpg
Huyện Gia Lâm đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Ảnh: Quang Thái

Dồn lực để “về đích” đúng hạn

Ngay sau khi HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện bắt tay vào triển khai ngay các bước tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển thành quận ngay trong năm 2023. "Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn đối với hệ thống chính trị và nhân dân huyện Đông Anh", đồng chí Nguyễn Xuân Linh nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, việc HĐND thành phố tán thành Nghị quyết thành lập huyện Đông Anh là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

Tới đây, huyện sẽ làm việc với Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ để đề xuất thẩm định Đề án lên quận của huyện. Đồng thời, tiếp tục duy trì, đầu tư hoàn thiện và nâng cao hơn nữa các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Mục tiêu của huyện là quyết tâm thực hiện, phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng này.

Để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, Hoài Đức thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn lực đầu tư để bảo đảm cân đối thu chi ngân sách và nguồn vốn thực hiện các dự án, từ đó sớm hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Hoài Đức cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư để hoàn thành các tiêu chí thành lập quận, thành lập phường như: Hoàn thành 6 tuyến giao thông khung, 20 tuyến đường huyện, đường bao khu dân cư, đường trục xã; cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức; thực hiện 31 dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trường học, 6 chợ mới, 42 khu cây xanh, thể dục thể thao; Huyện Hoài Đức cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ, ứng trước kinh phí thực hiện những dự án thuộc nhiệm vụ chi của thành phố; cho phép các xã không đáp ứng về dân số và có diện tích đạt 50% tiêu chuẩn phường trở lên được giữ nguyên đơn vị hành chính khi thành lập phường; cho phép huyện triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết khu vực phía Tây đường Vành đai 4 nhằm định hướng phát triển đô thị... để đến năm 2025, huyện hoàn thành các tiêu chí theo quy định, sớm đưa Hoài Đức trở thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô.

Mong mỏi và kỳ vọng

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, qua rà soát, đến nay huyện Gia Lâm đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Huyện cũng đã hoàn thiện, trình thành phố dự thảo Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và dự thảo Đề án thành lập quận, các phường thuộc quận Gia Lâm.

Hiện Gia Lâm đã xây dựng phương án và tiêu chuẩn thành lập phường đối với 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đạt tiêu chuẩn thành lập phường. Hiện, những kiến nghị của huyện đã được thành phố xem xét, đưa vào tổng hợp chung của các huyện chuẩn bị lên quận. Ngoài ra, huyện cũng đã hoàn thiện 3 tờ trình gửi thành phố đề nghị chỉ đạo các sở, ngành chức năng sớm có kết quả thẩm định để trình Bộ Xây dựng phê duyệt, quyết định theo thẩm quyền; đề nghị Thành ủy, UBND thành phố cho chủ trương về việc lấy ý kiến cử tri đối với Đề án huyện trở thành quận; đề nghị thành phố cho phép huyện thực hiện song song việc trình hồ sơ thành lập quận với việc lập quy hoạch phân khu sau khi Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt theo quy định… “Nếu được thành phố đồng ý, huyện sẽ triển khai thực hiện lấy ý kiến cử tri trong tháng 8-2023; trình HĐND thành phố xem xét, tán thành chủ trương thành lập quận và thành lập các phường trong tháng 9-2023...”, đồng chí Đặng Thị Huyền cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cũng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện lên quận, xã thành phường chưa đạt. Đồng thời, huyện kiến nghị thành phố có cơ chế đặc thù phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho ngân sách cấp huyện và cấp xã để nâng dần tỷ lệ tự cân đối thu chi ngân sách; xem xét bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố và cho phép lập chủ trương để đầu tư 7 tuyến đường khung thuộc nhiệm vụ thành phố trên địa bàn huyện để đáp ứng tiêu chí huyện lên quận.

Quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển huyện thành quận, xã thành phường của các huyện đã khiến đời sống vật chất, tinh thần của người dân đổi thay rõ nét. Đánh giá về quá trình này, bà Trần Thị Hương, Cụm trưởng cụm dân cư số 7, xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) cho biết, cùng với sự chuyển biến rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ năm 2014, xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, các tuyến đường giao thông chính đều đã được trải nhựa. Hệ thống ao, hồ trong xã cũng được xây dựng khang trang, cảnh quan xung quanh cũng được nhân dân xã hội hóa xanh, sạch, đẹp như những công viên thu nhỏ; trở thành nơi vui chơi, thư giãn cho các hộ dân và giúp làng quê mang dáng dấp của một khu dân cư đô thị. Người dân mong muốn, kỳ vọng, chủ trương phát triển xã thành phường, huyện lên quận sẽ sớm được hoàn thành để đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên về mọi mặt.

Bà Phạm Thị Nga, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) cũng phấn khởi cho hay, toàn xã có trên 700 lượt hộ gia đình hiến trên 15.000m2 đất ở, đất giao để mở rộng đường dân sinh, giao thông nội đồng và đóng góp hàng ngàn ngày công, vật liệu trị giá hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng. Người dân sẵn sàng góp sức cùng xã, cùng huyện để thực hiện chủ trương lớn của thành phố để xây dựng “phố trong làng” nhưng vẫn giữ được những truyền thống đáng quý có từ bao đời nay.

Chứng kiến sự đổi thay trong quá trình phát triển thành phường của xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), bà Lục Thị Quế, thôn Cương Ngô, xã Tứ Hiệp phấn khởi bày tỏ: “Tôi mong muốn tới đây, khi xã phát triển thành phường, người dân Tứ Hiệp sẽ được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế… mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho nhân dân”.

(Còn nữa)

Phát biểu tại hội nghị giao ban quý II-2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Nguyễn Thị Tuyến đã đề nghị UBND các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức cần gắn việc thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận với việc hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi xây dựng thành quận. Đồng chí cũng tin tưởng, mong muốn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm động viên, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được thành phố tin tưởng, giao phó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Tìm giải pháp để bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.