Đô thị

Chuyện tách nhập xã, phường trong lịch sử

Nguyễn Ngọc Tiến 12/05/2024 - 07:15

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Hà Nội giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện và dự kiến giảm số đơn vị hành chính cấp xã. Thực ra, đây chỉ là một trong nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính của Thăng Long - Hà Nội trong hơn 1.000 năm qua.

Thời Lý, kinh đô Thăng Long được chia thành 61 phường. Năm 1230, vua Trần Thái Tông đặt ra ty Bình Bạc (cơ quan hành chính tư pháp ở Thăng Long), và cũng theo nhà Lý chia Thăng Long thành 61 phường, tức là Thăng Long có 2 cấp hành chính gồm ty và phường. Năm 1265, nhà Trần đổi ty Bình Bạc thành Đại An phủ sứ, sau đó đổi thành Kinh sư Đại doãn; tiếp theo lại đổi thành Trung Đô Doãn vào năm 1394. Đến nhà Hậu Lê, triều đình đặt thêm cấp huyện, cấp này là gạch nối giữa phủ và phường. Ở Thăng Long có phủ Trung Đô, dưới là huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường. Năm 1469, Lê Thánh Tông đổi Trung Đô thành phủ Phụng Thiên nhưng vẫn giữ nguyên hai huyện và số phường. Tại sao nhà Hậu Lê lại giảm số phường? Lý do là ở thời Hậu Lê, triều đình bổ chức quan về cấp phường, xã, giảm số phường là giảm số quan, đồng thời tiết kiệm ngân khố.

638504134274316582-anh-hoang-ha.jpg
Trong lịch sử, Hà Nội đã có nhiều lần tách nhập đơn vị hành chính. Ảnh: Hoàng Hà

Năm 1802, Nguyễn Ánh lập ra nhà Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long, cho chuyển kinh đô vào Huế. Gia Long đổi tên Thăng Long với nghĩa “rồng bay” thành Thăng Long với nghĩa “thịnh vượng” nhưng giữ nguyên 36 phường như thời Lê. Năm 1805, Gia Long sai phá bỏ thành nhà Lê, xây thành mới nhỏ hơn gọi là Bắc thành, đổi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, đổi huyện Vĩnh Xương thành Thọ Xương, Quảng Đức thành Vĩnh Thuận. Từ 36 phường thời Lê, Gia Long chia huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thành 249 xã, thôn, phường (193 thuộc huyện Thọ Xương, 56 thuộc huyện Vĩnh Thuận). Giữa cấp xã, phường, thôn và huyện, vua Gia Long đặt thêm cấp trung gian gọi là tổng. Việc vua Gia Long lập thêm phường, xã, thôn nhằm hai mục đích, một là muốn xóa bỏ địa danh do nhà Lê đặt vì ông biết dân Bắc Hà có tư tưởng “vọng Lê”. Mục đích thứ hai là Gia Long không bổ nhiệm chức quan địa phương như nhà Lê, chức xã trưởng, phường trưởng, trưởng thôn do dân bầu. Họ không có lương, chỉ được phụ cấp và phụ cấp này không phải của triều đình, nó được trích một phần từ các khoản thu trong dân mà phường, xã được phép nên càng nhiều xã, phường, thôn thì quản lý dân càng chặt.

Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính trên cả nước, đổi tên Việt Nam thành Đại Nam, xóa bỏ Bắc thành, lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ, 15 huyện. Phủ Hoài Đức vẫn gồm 2 huyện nhưng Thọ Xương rút xuống còn 116 phường, thôn, xã; huyện Vĩnh Thuận còn 40. Như vậy, 93 tên xã, phường, thôn ở phủ Hoài Đức đã bị xóa bỏ. Quan điểm về việc giảm số cấp hành chính của vua Minh Mạng là tinh gọn bộ máy quản lý.

Việc đặt tên xã, phường, thôn được Minh Mạng lưu tâm vì từ năm 1824, ông đã chủ trương xem xét lại tên gọi các đơn vị hành chính ở địa phương và ra chỉ dụ “Những tên Nôm và mặt chữ không nhã thì bàn định đổi đi”. Thực tế, ở huyện Thọ Xương có tên phường kiểu diễn giải, mô tả theo lối nôm na tới 8 âm tiết, ví dụ: thôn Ngoại Ô Giáp Hương Bài Phường Đông Hà. Sau năm 1831, địa dư và địa danh hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận được thay tên mang ý nghĩa hay, đẹp theo 3 cách: Một là đặt tên hoàn toàn mới; hai là nếu nhiều thôn, xã, phường nhập làm một thì lấy tên của tổng. Còn hai thôn, phường, xã sáp nhập thì có thể lấy 2 chữ đầu của hai địa danh ghép với nhau hoặc chữ đầu của địa danh này ghép với chữ cuối của địa danh kia. Cách ghép này sẽ giữ lại được một số tên cũ trong 93 địa danh bị xóa. Tính từ triều vua Gia Long (1802 - 1820) đến triều vua Thành Thái (1889 - 1907), có 73 tên xã, phường của Hà Nội trùng với 15 húy của các chúa vua Nguyễn và người thân; 4 xã trùng với từ tôn kính là Thiên và Nguyễn nên phải đổi. Nhưng khi đổi triều đình chỉ đổi từ húy, ví dụ “Minh” là húy của vua Minh Mạng thì phường Minh Kinh đổi thành Chính Kinh.

Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hà Nội, ngày 19-7-1888, họ lấy huyện Thọ Xương và một phần Vĩnh Thuận lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Lúc này cấp hành chính không còn phường, thôn, xã nữa mà họ chia Hà Nội thành 8 hộ (quartier), dưới hộ là phố, đứng đầu phố là trưởng phố có vai trò giúp cho tòa đốc lý thu thuế. Sau ngày Thủ đô giải phóng, tháng 9-1955, nội thành Hà Nội chia làm 4 quận với 36 khu phố. Sau đó lại có nhiều lần sắp xếp, thay danh từ “quận" thành "khu phố”; còn các "khu phố" (trước đây) được gọi bằng “khối”, đến năm 1974 thì chia nhỏ thành các “tiểu khu”. Đến năm 1982 lại đổi “tiểu khu” thành “phường”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện tách nhập xã, phường trong lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.