Đô thị

Tây Hồ chuyển mình mạnh mẽ

Hương Ly 01/08/2023 08:58

Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII đã mở ra những cơ hội lịch sử, giúp Thủ đô phát triển xứng tầm. Cùng với việc nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được thành phố giao, từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã dành gần 400 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, qua đó giúp các địa phương còn khó khăn hòa chung nhịp phát triển của Thủ đô.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hòa chung tiến trình phát triển của ấy, quận Tây Hồ cũng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.

Dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại

Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, nhìn lại 15 năm qua, có thể nhận thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ của quận Tây Hồ. Tính đến tháng 6-2023, trên địa bàn quận đã có 6.382 tổ chức, doanh nghiệp và 7.932 hộ kinh doanh. Giá trị sản xuất các ngành do quận quản lý tăng bình quân trên 13,48%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận năm 2022 ước đạt 4.182,6 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2008 (368,75 tỷ đồng)…

th-toan-canh-.jpeg
Diện mạo quận Tây Hồ ngày càng văn minh, hiện đại.

Song hành với triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị và xã hội luôn được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các khu đô thị mới, khu vui chơi, giải trí quanh hồ Tây đã dần được hình thành. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước sạch, thoát nước cũng được quận Tây Hồ quan tâm, cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Các tuyến đường giao thông, dân sinh được bê tông hóa... Qua đó, đã hình thành dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò quận trung tâm của Thủ đô.

Công tác quản lý Hồ Tây và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ở đây cũng được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, ngày 15-7 vừa qua, quận đã thực hiện di dời xong toàn bộ các phương tiện thủy cũ nát ra khỏi Hồ Tây. Song hành với đó, hệ thống chiếu sáng, cây xanh xung quanh hồ cũng được đầu tư, cải tạo, giúp cảnh quan môi trường Hồ Tây và các vùng phụ cận ngày càng văn minh, hiện đại…

Đáng chú ý, Tây Hồ là quận đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa”. Đến nay, toàn quận đã có 5/8 phường đạt danh hiệu "Phường văn hóa" và đang phấn đấu xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị…

th-chuong-my-.jpeg
Quận Tây Hồ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Đặng Thị Quầy (thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ).

Cùng nhau phát triển

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song với tinh thần tương trợ, cùng nhau phát triển, từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã dành gần 400 tỷ đồng hỗ trợ các huyện của Thủ đô. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, quận đã hỗ trợ tổng kinh phí lên tới 210,8 tỷ đồng cho 6 huyện, gồm: Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên và Phúc Thọ thực hiện mục tiêu nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Trong đó riêng huyện Phúc Thọ đã nhận 35 tỷ đồng hỗ trợ từ quận Tây Hồ để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, là huyện còn rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, Phúc Thọ luôn trân quý sự hỗ trợ về nguồn lực của các quận. Đây là tiền đề quan trọng để huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới.

th-ung-hoa.jpeg
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Ứng Hòa khánh thành Trường Tiểu học Tảo Dương Văn - công trình do quận Tây Hồ hỗ trợ.

Ngày 25-7 vừa qua, nhân dịp Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 15 năm ngày mở rộng địa giới hành chính, huyện Ứng Hòa cũng khánh thành và đưa vào sử dụng Trường Tiểu học Tảo Dương Văn. Công trình có quy mô 16 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng với kinh phí 44,5 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ.

Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, quận Tây Hồ cũng đã tiên phong, đi đầu trong việc hỗ trợ các địa phương ngoài địa bàn Hà Nội. Đơn cử, quận Tây Hồ đã hỗ trợ huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) 14,5 tỷ đồng xây dựng đường giao thông liên thôn liên khu Thăng Long - Bạch Đằng và Công trình Di tích thanh niên xung phong tiền trạm Hà Nội (hồ Ba Đình, thị trấn Nam Ban).

Mới đây, UBND quận Tây Hồ và UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã ký kết trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và liên kết phát triển ngành hàng hoa đào địa phương có lợi thế.

th-buon-ho-.jpeg
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ và UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk ký kết quy chế phối hợp phát triển ngành hàng hoa đào.

Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, so với các địa phương khác, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, Tây Hồ có những lợi thế nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội… Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, quận Tây Hồ sẵng sàng đồng hành với các huyện, với Thủ đô và đất nước trong việc phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, qua đó hướng tới mục tiêu: Chung sức, đồng lòng, vì sự phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Hồ chuyển mình mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.