Xã hội

Dấu mốc để vươn mình bứt phá

Nhóm phóng viên 01/08/2023 06:47

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội (khóa XII), Hà Nội ngày càng vươn mình bứt phá, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về quyết định mang tầm lịch sử.

Đây cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự vươn mình bứt phá của mảnh đất văn hiến ngàn năm, mang đến diện mạo mới cho đời sống kinh tế - xã hội của người dân từ nội thành đến ngoại thành. Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của cán bộ, nhân dân và người nước ngoài.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định:

Tổng kết 15 năm để xây dựng các chính sách sửa đổi Luật Thủ đô

Tôi còn nhớ quá trình Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô rất phức tạp với 3 lần thảo luận, khi biểu quyết đã đạt được sự đồng thuận rất cao của Quốc hội. Vào chiều 29-5-2008, với 458 đại biểu Quốc hội tán thành (tỷ lệ 92,9% tổng số đại biểu), Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Điều chỉnh địa giới hành chính nhưng Hà Nội vẫn giữ được vị thế “Rồng cuộn, Hổ ngồi”, “Tiện hướng nhìn sông, tựa núi”.

nguyen-khac-dinh.jpg

Có thể khẳng định, trong những năm qua, Hà Nội đã quan tâm đổi mới, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội các nghị quyết có thể nói là đi đầu trong cơ chế, chính sách phát triển. Việc tổng kết 15 năm thi hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 là việc rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong quá trình Hà Nội đang xây dựng các chính sách sửa đổi Luật Thủ đô.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ có 3 vấn đề liên quan đến Hà Nội, gồm sửa đổi Luật Thủ đô, báo cáo việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Hà Nội phải chủ động tham gia cùng các bộ, ngành giúp Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội để bảo đảm các cơ chế, chính sách đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi, nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh:

Khai thác hiệu quả cơ chế, chính sách Quốc hội dành cho Hà Nội

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, diện mạo của Thủ đô Hà Nội sau 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính đã có sự thay đổi rất mạnh mẽ theo hướng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

vht.jpeg

Về kinh tế, tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội trong thời gian qua vượt trội so với các thành phố trực thuộc Trung ương; thu ngân sách qua các năm đều tăng vượt so với dự toán. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực, trong đó các ngành dịch vụ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ cao trong GRDP của thành phố…

Để có được những kết quả trên, có thể nói Hà Nội đã khai thác hiệu quả việc mở rộng không gian phát triển sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và các cơ chế, chính sách đặc thù trong khuôn khổ Luật Thủ đô, các nghị quyết của Quốc hội.

Tôi cho rằng có 3 vấn đề thành phố Hà Nội cần quan tâm gồm tiếp tục khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực mới cho phát triển; sớm đưa công tác quy hoạch của thành phố vào cuộc sống; quan tâm, tập trung hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận:
Tốc độ đô thị hóa gia tăng

yk-nguyen-trung-thuan.jpg

Sau 15 năm hợp nhất, huyện Hoài Đức đã đạt được một số kết quả nổi bật so với trước. Hệ thống kết cấu hạ tầng khung đang hình thành; kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch. Toàn huyện có 17 tuyến đường chính với chiều dài 62km; 6 tuyến giao thông khung dài 22km. Cùng với đó, huyện đang tập trung hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, dự án đầu tư để triển khai xây dựng 12 khu cây xanh, thể dục, thể thao tập trung, trên tổng diện tích khoảng 17ha; xây dựng mới 39 khu cây xanh, vườn hoa; chỉnh trang 51 ao hồ nhằm tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp phục vụ sinh hoạt cộng đồng... Đồng thời, huyện cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn.

Các dự án đô thị đã và đang hình thành, thu hút cư dân sinh sống như: Khu đô thị Bắc, Nam An Khánh, Bắc quốc lộ 32, Vinhomes Thăng Long... qua đó đã góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan các khu dân cư trên địa bàn huyện theo hướng văn minh, hiện đại. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của trung ương, thành phố, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Hoài Đức đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2024 đạt huyện nông thôn mới nâng cao, năm 2025 đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng huyện thành quận văn minh, hiện đại, góp phần chung sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu:
Cú hích cho giáo dục ngoại thành

yk-nguyen-van-hau.jpg

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội (khóa XII) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, giáo dục huyện Mê Linh có sự thay đổi, phát triển rõ rệt. Giáo dục Mê Linh cũng như nhiều huyện của thành phố được ưu tiên đầu tư về mọi mặt, đặc biệt là xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học, tạo môi trường giáo dục tốt để thầy cô yên tâm cống hiến, học sinh nỗ lực học tập.

Toàn huyện Mê Linh hiện có 81 cơ sở giáo dục với hơn 65.000 học sinh mầm non, phổ thông và hơn 3.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết giáo viên đều đã có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong khi đó, năm 2008, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn chiếm chưa đầy 50%. Đáng chú ý là thời điểm đó, các nhà trường hầu hết đều thiếu đội ngũ nhân viên, nhiều trường mầm non không có nhân viên…

Trong 15 năm qua, huyện đã tập trung đầu tư mở rộng quỹ đất, xây dựng bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Việc ưu tiên quỹ đất cho giáo dục được đặc biệt quan tâm. Tổng diện tích đất đã được mở rộng cho các nhà trường trên địa bàn huyện là hơn 151.000m2. Đây có thể coi là cú hích mạnh mẽ cho giáo dục ngoại thành nói chung và giáo dục của huyện Mê Linh ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bà Bùi Thị Duyên, thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai:
Khu vực nông thôn đã “thay da, đổi thịt”

yk-bui-thi-duyen.jpg

Sau 15 năm, bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân xã Tam Hưng đã bước sang trang mới. Điều dễ nhận thấy là đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá, bộ mặt làng quê ngày càng được "thay da, đổi thịt" kể từ khi các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện được thành phố và huyện quan tâm đầu tư, mở rộng.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt... được thành phố quan tâm đầu tư, hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được hoàn thiện, kết nối với khu vực trung tâm với các vùng ngoại thành; nhiều tuyến cao tốc quan trọng, kết nối vùng được mở ra. Sự phát triển về hạ tầng giao thông không chỉ giúp người dân rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc giao thông mà còn giúp kết nối giao thương với các tỉnh lân cận, mở ra những cơ hội làm ăn mới.

Vừa qua, huyện Thanh Oai còn vinh dự được chọn là một trong những điểm khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Người dân kỳ vọng, dự án hoàn thành sẽ tạo thuận lợi về giao thông, giúp mở rộng không gian, tăng khả năng liên kết, mở ra những cơ hội mới về giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận, giúp sản phẩm nông nghiệp của người dân dễ dàng tiếp cận với các thị trường bên ngoài... tạo tiền đề để địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama:
Một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao

yk-saadi-salama.jpg

Trên tư cách là một đại sứ đã gắn bó với Việt Nam từ những năm 1980, tôi nhận thấy, so với quá khứ, Hà Nội hiện là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều, cả về diện tích và dân số. Tôi luôn nhìn thành phố với 2 trạng thái cảm xúc: Niềm vui về sự đổi mới của Hà Nội và chút luyến tiếc, hoài niệm khi những con đường mang nét cũ đang dần mất đi.

Trên thế giới, không có nhiều thủ đô hơn 1.000 năm tuổi. Riêng ở Đông Nam Á, chỉ duy nhất Hà Nội là thành phố chạm tới mốc này. Bản thân con số ấy đã cho thấy bề dày văn hóa, lịch sử của Việt Nam với Thăng Long - Hà Nội là lăng kính hội tụ. Ở đó, người ta không chỉ tìm thấy những câu chuyện về truyền thống, phong tục, nếp sống của người dân nơi đây trong suốt 1 thiên niên kỷ. Hơn thế, Hà Nội cũng là nơi gánh những sứ mệnh lớn lao mà lịch sử luôn trao cho một kinh đô.

Hà Nội của thế kỷ XXI là một thành phố đa sắc màu. Đây là thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế phía Bắc của một Việt Nam đang liên tục đạt được những thành công trên lộ trình phát triển và khẳng định vị thế quốc gia. Cảm giác nhìn Hà Nội từ trên cao thật tuyệt vời. Những tòa nhà cao tầng và trục đường lớn đang mọc lên khắp thành phố. Không gian Hà Nội buổi đêm tràn ngập ánh sáng với muôn sắc màu. Hà Nội đang vươn mình trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ khu vực và thế giới.

Giám đốc quốc gia Việt Nam Tập đoàn Schippers (Hà Lan) Ywert Visser,tại Việt Nam:
Lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài

yk-ywert-visser.jpg

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn tìm kiếm một thị trường năng động, an toàn cho các hoạt động đầu tư. Thứ nhất, điều này là do các biện pháp kịp thời và hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam cùng với UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thứ hai là sự ghi nhận của các nhà đầu tư nước ngoài đối với những cải cách hành chính mà thành phố đã triển khai thời gian qua.

Đặc biệt, việc gia tăng các thủ tục quy trình trực tuyến như đăng ký kinh doanh và kê khai thuế đã giúp giảm gánh nặng hành chính cho các công ty. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ của Hà Nội và vị trí địa lý thuận lợi trong việc kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất đã giúp thành phố trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn đầu tư vào Việt Nam. Đây là lý do thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội liên tục ở mức cao. Tất nhiên, với những cải thiện về thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chính quyền Thủ đô, nhiều doanh nghiệp Hà Lan cũng đang mong muốn đầu tư lâu dài tại Hà Nội. Nếu Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính cùng với cải thiện chất lượng không khí, môi trường, sức hút của thành phố sẽ còn lớn hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu mốc để vươn mình bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.