(HNM) - Nếu như nghệ thuật truyền thống là nền tảng thì điện ảnh và âm nhạc chính là mũi nhọn tạo nên những đột phá cho công nghiệp văn hóa chuyển mình.
Tiềm năng chưa tận dụng hết
So với nhiều địa phương trên cả nước, Hà Nội có điều kiện để phát triển điện ảnh và âm nhạc, vì có nhiều cơ sở hoạt động trong hai lĩnh vực này và là nơi tập trung nhiều nghệ sĩ hàng đầu, cũng là nơi mức sống và nhu cầu hưởng thụ của người dân cao… Một thời, Hà Nội có những bộ phim gây tiếng vang lớn, như “Em bé Hà Nội”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Mùa ổi”, “Người Hà Nội”… Từ đó, không ít khán giả đã kéo đến các rạp hát, rạp chiếu phim.
Song, nhiều năm trở lại đây, Hà Nội thiếu vắng dần những bộ phim cuốn hút. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội Đan Thiết Thụ, Hội quy tụ 250 nghệ sĩ thuộc các cơ sở điện ảnh lớn trên cả nước, trong đó có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh... Mỗi năm có hàng chục kịch bản về Hà Nội và cho khán giả Hà Nội ra đời, nhưng thành tác phẩm điện ảnh khá hiếm hoi.
Khán giả xếp hàng mua vé tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. |
Gần đây, thành phố có trang bị một máy quay, một máy dựng phim, nhưng với công nghệ điện ảnh phát triển như vũ bão và nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày càng cao thì số trang thiết bị này còn khó để đáp ứng. Bên cạnh đó, Hãng Phim truyện Việt Nam lúng túng trong cổ phần hóa, việc đầu tư sản xuất phim của Nhà nước ngừng trệ nhiều năm cũng khiến điện ảnh Hà Nội chưa có phim nổi bật.
Trái với khâu "đầu nguồn", việc phục vụ công chúng qua hệ thống rạp chiếu ở Hà Nội lại đang có nhiều tiến triển. Hiện thành phố có 16 cụm rạp cả hình thức tư nhân và liên doanh, liên kết, trong đó nhiều rạp cập nhật phim nhanh, phòng chiếu hiện đại, đa dạng dịch vụ đi kèm như: CGV, Lotte, BHD, Galaxy, Trung tâm Chiếu phim quốc gia... Doanh thu trung bình hoạt động điện ảnh mỗi năm tăng 20%, hiện đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng số tiền ấy phần lớn thuộc về hệ thống rạp có vốn nước ngoài. Các rạp của Hà Nội như: Tháng Tám, Kim Đồng, Ngọc Khánh… đã trang bị hiện đại hơn, có phòng chiếu 3D nhưng mặt bằng nhỏ, dịch vụ đi kèm thiếu, nên chưa hút khán giả.
Một tín hiệu tốt là từ năm 2008, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Tại các kỳ liên hoan thường chiếu hơn 100 bộ phim đến từ nhiều nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, trong đó có phim đoạt giải ở các liên hoan phim danh tiếng như: Oscar, Cannes, Berlin, Venice…
Lĩnh vực âm nhạc của Hà Nội nhiều năm nay phát triển khá tốt về tác phẩm và hình thức phục vụ. Bên cạnh những tác phẩm “Còn mãi với thời gian”, nhiều nhạc sĩ đang sáng tác về Hà Nội với phong cách mới, hợp thị hiếu khán giả, như “Hà Nội mười hai mùa hoa” (Giáng Son), “Hồ Gươm sáng sớm” (Lưu Thiên Hương)… Các đêm nhạc của những nhạc sĩ thành danh như: Phú Quang, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường… hay những ca sĩ hàng đầu của Hà Nội như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ… luôn “cháy” vé.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Giám đốc sản xuất Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, thông qua các sự kiện âm nhạc được tổ chức quy mô, bài bản, đúng tiêu chuẩn quốc tế, không những khán giả Thủ đô được nâng tầm mà còn là dịp để kéo các nghệ sĩ lớn, các khán giả quốc tế đến Việt Nam biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, từ đó đưa Hà Nội trở thành tụ điểm giao lưu văn hóa quốc tế.
Đã đến lúc tạo đột phá
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho rằng, điện ảnh và âm nhạc là hai lĩnh vực có đời sống sôi động, luôn cập nhật xu thế và gắn với nhu cầu của khán giả, nhất là người trẻ. Việc phát triển hai lĩnh vực này còn kéo theo nhiều lĩnh vực khác như thời trang, công nghệ, mỹ phẩm, ẩm thực, du lịch… "Chẳng hạn như phim “bom tấn” “Kong - Skull Island” đã tạo hiệu ứng du lịch đến Quảng Bình, Ninh Bình...”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm phân tích thêm.
Vẫn theo ông Trần Quốc Chiêm, để phát huy nguồn lực và tạo đột phá cho công nghiệp văn hóa, thì thành phố phải quy hoạch hạ tầng xây dựng công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc đáp ứng nhu cầu nâng cao thẩm mỹ và hội nhập quốc tế. Cụ thể, thành phố nên đầu tư xây dựng hoặc ưu tiên mặt bằng để các nhà đầu tư xây dựng phim trường, trung tâm biểu diễn âm nhạc, cơ sở đào tạo nghệ sĩ theo hướng hiện đại; ưu tiên nhập khẩu máy móc, trang thiết bị cho điện ảnh, âm nhạc; có cơ chế cho phép khai thác các nguồn lực từ hai lĩnh vực này để phục vụ du lịch và các dịch vụ khác.
“Hầu hết liên hoan phim quốc tế danh tiếng đều diễn ra thường niên, tạo cơ hội quảng bá liên tục tác phẩm điện ảnh mới, đưa chúng đến các thị trường khác nhau; đồng thời, nghệ sĩ có dịp học hỏi, trao đổi những xu hướng làm phim tiên tiến. Tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, nhiều nhà làm phim có dịp tham quan bối cảnh, tiếp xúc với nghệ sĩ nước ta và tìm được sự đồng cảm để nảy nở những bộ phim mới có yếu tố Hà Nội”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ.
Cùng với đó, nguồn nhân lực cho điện ảnh và âm nhạc cũng cần được quan tâm, đào tạo, thu hút theo hướng ưu tiên các tài năng trẻ; ưu đãi với các nghệ sĩ quốc tế, nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp ở nước ngoài… Với hai lĩnh vực văn hóa sôi động và nhạy cảm hàng đầu này, phải chú trọng hơn về vấn đề nội dung, nhưng không vì thế mà siết chặt quá mức. Giải pháp hữu hiệu nhất là đặt hàng, hoặc bảo hộ đối với các hoạt động sáng tác tác phẩm điện ảnh, âm nhạc… cho các nghệ sĩ uy tín, tài năng.
Khi các lĩnh vực có thế mạnh được đầu tư, phát triển sẽ tạo đà cho các lĩnh vực khác đi lên, từng bước tạo thành những đột phá trong ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô thời gian tới…
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.