Công nghiệp văn hóa

Ngăn ngừa suy thoái trong phát triển công nghiệp văn hóa

Tiến sĩ Lê Văn Cử 06/03/2024 - 07:12

Thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Đảng, Nhà nước ban hành nhiều quyết sách lớn để phát triển công nghiệp hóa, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách chống phá. Các đối tượng này đã dùng những lời lẽ phi thực tế, bóp méo, xuyên tạc, như: “Dù có bơm tiền thì ngành công nghiệp văn hóa cũng không thể phát triển vì ngành này đang nằm trong rọ”, “nguyên nhân ai cũng biết đó là chế độ kiểm duyệt hà khắc của Đảng…”; “ở Việt Nam không thể phát triển được công nghiệp văn hóa”…

cn-vh.gif
Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Ảnh: Phạm Huy

Đây là những luận điệu chống phá hết sức nguy hiểm, không chỉ cố tình “lờ đi” những kết quả, thành tựu ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đạt được mà còn trực diện tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu không có sự đấu tranh, phản bác kịp thời dễ gây hiện tượng hiểu lầm hoặc hiểu không đúng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; hơn nữa, đó còn là “nguyên cớ” để các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Từ năm 1986 đến nay, cùng với quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế nói riêng đã được khẳng định nhất quán trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, Văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Tiêu biểu như tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa… Văn hóa và kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”. Tiếp đó, Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Đặc biệt, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021) một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược chung về bảo vệ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Như vậy, nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn để lãnh đạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Vì vậy, đâu đó lời lẽ xuyên tạc cho rằng “ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam không thể phát triển”, “Việt Nam không có công nghiệp văn hóa”… là rất sai lầm và không có cơ sở thực tế.

Quán triệt chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa từng bước được bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn và bối cảnh mới. Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng, một nhiệm vụ cấp bách trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, được Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021. Tiếp đó, ngày 22-12-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động; đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”.

Kết quả đạt được là minh chứng rõ nhất

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua, ngành công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Giai đoạn 2018-2022, tốc độ tăng trưởng số cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân 7,21%/năm. Lực lượng lao động làm trong lĩnh vực này tăng khá nhanh (tăng bình quân 7,44%/năm). Năm 2022, có trên 70.000 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Đánh giá kết quả đạt được, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam… Công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, với 3,92% GDP trong năm 2021 và tăng lên 4,04% GDP trong năm 2022; các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú…”.

Đó là đánh giá đầy đủ nhất về diện mạo ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Và trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn, chúng ta thấy được một sản phẩm đặc trưng của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đó là bộ phim "Đào, Phở và Piano" với "cơn sốt" chưa từng có ở rạp chiếu, là món ăn tinh thần của đông đảo khán giả, đặc biệt đã lôi cuốn, thu hút rất lớn lượng khán giả trẻ. Với doanh thu hàng tỷ đồng tính đến hiện tại, bộ phim "Đào, Phở và Piano" là minh chứng rõ nét về sự phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện tại.

Nhìn trên bình diện chung có thể khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa là đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh văn hóa, tư tưởng có thể thấy, điều đáng lo ngại hiện nay chính là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong công nghiệp văn hóa. Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ ngày 22-12-2023 đã chỉ rõ: “Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế (thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện “lệch chuẩn”); dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài...”. Đó là một trong những mảnh đất để các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Cần triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời

Trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết chúng ta cần quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ dẫn tới làm “lệch chuẩn” trong phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về phát triển công nghiệp văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và học tập kinh nghiệm thế giới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển thị trường tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong và ngoài nước; quy hoạch mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đặt và lồng ghép phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, từng bộ, ngành, vùng, miền và mỗi địa phương; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành công nghiệp văn hóa với những lộ trình, mục tiêu ưu tiên và giải pháp phù hợp... Chỉ có như vậy, chúng ta mới ngăn chặn được tình trạng suy thoái trong công nghiệp văn hóa và đập tan được mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa suy thoái trong phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.