Bất chấp sự ra đời của internet và sự phát triển của công nghệ số đã cho ra đời rất nhiều trò chơi hấp dẫn, sống động với hình ảnh 3D, thực tế ảo VR..., các board game từ truyền thống tới hiện đại vẫn giữ được vị trí nhất định trong các gia đình và giới trẻ.
Theo Công ty phân tích dữ liệu kinh doanh toàn cầu Statista có trụ sở chính tại Đức, thị trường board game thế giới dự kiến tạo ra doanh thu lên tới 9 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, Mỹ là quốc gia đứng đầu về doanh thu từ board game, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản có tới hơn 20.000 nhà phát hành trò chơi board game được biết đến trên khắp thế giới.
Peter Wooding, chủ sở hữu công ty bán lẻ board game Orcs Nest ở trung tâm London (Anh) cho biết: “Sự phục hưng của board game bắt đầu từ khoảng hơn 10 năm trước và sự quan tâm của giới trẻ đối với loại hình trò chơi này ngày càng tăng, nhất là với các board game theo phong cách châu Âu - nhấn mạnh tới chiến lược và sự hợp tác thay vì xung đột và may mắn, đồng thời thường xoay quanh các chủ đề kinh tế”.
Ví dụ điển hình về board game mang phong cách châu Âu là “Settlers of Catan”, một trò chơi của Đức ra đời từ năm 1995, hiện đã phổ biến khắp cựu lục địa và Mỹ. Nội dung liên quan đến nhóm người chơi xâm chiếm một hòn đảo, xây dựng khu định cư. Để lấy được vật liệu xây dựng, “Settlers of Catan”, người chơi phải trao đổi tài nguyên thông qua sự hợp tác, đàm phán và các kỹ năng xã hội. Bên cạnh đó, đặc điểm của trò chơi là luôn tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi.
Alice Bell, một nhà báo và là người hâm mộ board game, cho biết: “Tôi thích “Settlers of Catan” vì nó rất dễ chơi. Bạn có thể tạo thêm độ khó cho trò chơi bằng các lựa chọn riêng và người bạn chơi cùng, Vì vậy, không có “Settlers of Catan” nào giống nhau cả”.
Không chỉ giúp thư giãn, các chuyên gia đánh giá board game mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Carol Lambdin-Pattavina, Phó Giáo sư tại khoa Trị liệu ở Đại học New England cho biết, nhiều board game mang tính thách thức giúp nâng cao chức năng điều hành và các kỹ năng não. Những kỹ năng này bao gồm trí nhớ làm việc, sự linh hoạt về tinh thần, điều tiết cảm xúc, tổ chức...
Ngoài ra, lợi ích của board game còn được ghi nhận trong vai trò làm cầu nối các mối quan hệ, đặc biệt là tăng cường sự gắn kết giữa cách thành viên trong gia đình. Có rất nhiều trò chơi mang tính giáo dục nhằm phát huy phẩm chất quý giá của con người, những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, tăng cường sự gắn kết, tạo ra không gian để có thể lưu lại kỷ niệm chung.
Theo các nghiên cứu về xã hội học, giao tiếp trong gia đình là một phần quan trọng dẫn đến thành công của con người. Nếu không thể giao tiếp hay tương tác hiệu quả trong gia đình, một cá nhân rất khó có thể thành công trong xã hội. Bởi vậy, board game còn là phương thức quan trọng giúp rèn luyện và tăng cường khả năng giao tiếp, ứng xử của trẻ em. Vì vậy, những trò chơi truyền thống có lịch sử lên tới hàng nghìn năm như xúc xắc hoặc cá ngựa, cờ thỏ cáo có tuổi đời hàng trăm năm vẫn trường tồn với thời gian và được trẻ em yêu thích.
Đó là chưa kể đến những board game có khả năng phát triển khoa học, công nghệ, toán học, kỹ thuật. Cũng có nhiều trò chơi giúp các em phát triển kỹ năng mềm như lắng nghe, đồng cảm, làm việc nhóm, quản lý thời gian... Nhiều trường học đã đưa board game vào các tiết học, vừa giúp tăng cường sự hứng thú của các em nhỏ, vừa có thể dạy học sinh ở mọi lứa tuổi nâng cao khả năng nhận thức thị giác, sự phối hợp khéo léo của đôi tay hoặc cho các em biết về ý nghĩa của vận may trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, board game sẽ kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, cho phép trẻ em đưa ra những ý tưởng hoặc khái niệm theo một cách hoàn toàn mới. Các bộ cờ như cờ vua đều có thể dẫn dắt và kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ nhỏ. Qua mỗi lần chơi, các em sẽ học được cách giải quyết bài toán của mình sao cho nhanh nhất và chính xác nhất, đồng thời học được cách đưa ra các giải pháp cho cùng một vấn đề và chọn cho mình phương án tối ưu.
Nhìn chung, hầu hết các trò board game ngày nay đều đòi hỏi ở người chơi sự tính toán tỉ mỉ và khả năng dự đoán để đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt cho kết quả cuối cùng. Dù có thất bại hay chiến thắng sau mỗi màn chơi, quá trình rèn luyện trí óc cùng tinh thần tranh đua giữa các đối thủ sẽ giúp người chơi có động lực để nâng cao khả năng phản ứng nhạy bén với mọi tình huống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.