(HNMO) - Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), vệ tinh GSAT-6A mà họ vừa phóng lên quỹ đạo hồi giữa tuần trước hiện đã mất liên lạc.
Theo Thời báo Ấn Độ, GSAT-6A được phóng lên quỹ đạo với tên lửa đẩy GSLV-F08 một cách hoàn hảo, và đã di chuyển đúng với lộ trình đề ra. Theo kế hoạch, vệ tinh viễn thông mạnh nhất từ trước tới nay của Ấn Độ đã được nâng cao quỹ đạo hai lần đầu thành công.
Tuy nhiên, lần nâng thứ ba, và cũng là cuối cùng, nhằm đưa GSAT-6A vào quỹ đạo tiêu chuẩn ở độ cao 36.000km, lại gặp trục trặc khi kết nối giữa vệ tinh và trung tâm điều khiển đã bị ngắt. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy, GSAT-6A đã gặp rắc rối ở hệ thống điện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch ISRO K. Sivan, những dữ liệu mà tổ chức này thu thập được cho thấy khả năng cứu vãn tình hình là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, quy trình cụ thể cho mục tiêu này hiện chưa được tiết lộ.
Tới nay, Ấn Độ vẫn là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về khả năng chinh phục không gian. Việc phóng thành công GSAT-6A được giới chuyên môn đánh giá là bước tiến lớn của chương trình vũ trụ Ấn Độ. Tuy nhiên, sự cố mất liên lạc rõ ràng đã khiến niềm vui không trọn vẹn. Đây là vệ tinh thứ hai mà New Delhi mất liên lạc trong vòng 6 tháng qua.
GSAT-6A có trọng lượng 2.066 tấn, với thời gian hoạt động dự kiến trong vòng 10 năm, và có giá trị lên tới 73 triệu USD. Nếu được phóng thành công, vệ tinh này sẽ cho phép phủ sóng di động trên toàn lãnh thổ Ấn Độ thông qua những thiết bị mặt đất cỡ nhỏ (thậm chí là cầm tay), thay vì buộc phải có các trạm cỡ lớn như đối với các vệ tinh trước đây.
Hồi tháng 8-2017, sự cố tên lửa đẩy PSLV-XL đã khiến vệ tinh IRNSS-1H của Ấn Độ "mất tích". Nguyên nhân sau đó được xác định là do lớp cách nhiệt đã không tách rời ra như thiết kế ban đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.