(HNM) - 10 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhiều mặt hàng giảm đáng kể như cá tra, tôm, bạch tuộc... Thủy sản là một trong những ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn, do vậy sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu thủy sản còn phải đối mặt hàng loạt khó khăn do các rào cản thương mại cần được tập trung tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm.
Xuất khẩu giảm, thách thức tăng
Năm 2019, ngành Thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Nhưng đến thời điểm này, có thể nói mục tiêu trên đang xa tầm với. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 10 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4%. Đáng lo ngại, sự sụt giảm này thể hiện ở nhiều mặt hàng vốn được coi là thế mạnh của thủy sản Việt Nam. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra, mực sụt giảm đáng kể về mặt giá trị do gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan.
Cùng với đó, nhiều thách thức đã và đang đến với doanh nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, doanh nghiệp đã từng đạt giá trị xuất khẩu 60 triệu USD/năm, trong đó 70% hàng hóa xuất vào châu Âu. Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, lượng hàng xuất khẩu vào thị trường này giảm đáng kể bởi những thay đổi về yêu cầu nhập khẩu, tiêu chuẩn chất lượng cũng đòi hỏi khắt khe hơn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thủy sản.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là căng thẳng thương mại giữa các nước đã tác động trực tiếp tới chính sách thương mại, cán cân xuất - nhập khẩu. Bên cạnh đó, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều với những quy định chặt chẽ hơn, trong đó có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm... Mặt khác là vấn đề nội tại của ngành Thủy sản nhiều năm qua chưa được khắc phục như: Nuôi trồng thủy sản manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; thiếu cơ sở hạ tầng, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến sản phẩm thủy sản khai thác…
Thời gian từ nay đến cuối năm không nhiều, với những khó khăn vẫn ở phía trước. Vì thế, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của ngành Thủy sản rất khó thực hiện nếu không có những giải pháp quyết liệt.
Mở rộng thị trường
Gấp rút giải quyết những khó khăn, bất cập mà ngành Thủy sản đang đối mặt, nhiều giải pháp đã được triển khai ở những cấp độ khác nhau. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước mắt, toàn ngành tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, ngày 31-10 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang nước này. Đây là nỗ lực rất lớn của nhiều bộ, ngành cũng như doanh nghiệp trong suốt 3 năm qua để hoàn thành các nhóm tiêu chí mà phía Hoa Kỳ đưa ra như: Hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền; điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất con giống đến chế biến theo yêu cầu thị trường Hoa Kỳ.
Thành công từ việc gỡ rào cản cho mặt hàng cá tra vào thị trường Hoa Kỳ là kinh nghiệm quý cho các mặt hàng thủy sản khác trong tiến trình hội nhập. Nhìn nhận về sự kiện này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường lớn có những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Vì thế, vào được thị trường này đồng nghĩa cánh cửa cho cá tra sang nhiều thị trường khác cũng được mở rộng.
Với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Còn với thị trường châu Âu, trước mắt là tập trung làm việc với các cơ quan chức năng của Ủy ban châu Âu để gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế...
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quang Đệ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải nhận định: "Từ nay đến cuối năm, dự báo nhu cầu thủy sản tại một số nước sẽ tăng, trước mắt công ty tập trung nắm bắt nhu cầu của các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… để tăng đơn hàng. Về lâu dài, công ty tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao khả năng chế biến...".
Gia tăng sản lượng thủy sản xuất khẩu không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai và để phát triển bền vững, trước hết ngành Thủy sản phải tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần xác định và xây dựng những quy chuẩn trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, bảo đảm nghiêm ngặt an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như xây dựng thương hiệu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.