Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh

Đỗ Minh| 27/12/2022 16:48

(HNMO) - 2022 là năm thành công với xuất khẩu nông sản, nhiều nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu vượt kế hoạch và ghi nhận những kỷ lục mới. Nổi bật trong đó có mặt hàng thủy sản. Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 11 tỷ USD - đây là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản vượt qua con số 10 tỷ - xác lập kỷ lục mới.

Mặt hàng tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD trong xuất khẩu.

Những mặt hàng thủy sản triệu đô

Giữa tháng 10-2022, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức lễ mừng xuất khẩu thủy sản lần đầu đạt 10 tỷ USD. Theo thống kê của VASEP, tính đến hết tháng 11-2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, ngay trong nhóm hàng thủy sản, nhiều mặt hàng đã vượt qua con số 1 tỷ USD trong xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản. Điển hình là mặt hàng tôm - lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Đây là mặt hàng số 1 trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp đó là cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 704 triệu USD, chiếm 6,9%; các loại khác mang lại kim ngạch 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%...

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, mặt hàng tôm của doanh nghiệp này đã tăng gần 30% trong năm 2022, chủ yếu xuất qua châu Âu nên giá trị thu về cao.

Đối với thị trường nhập khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, khoảng 1,6 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 3 với khoảng 1,6 tỷ USD. EU khoảng 1,2 tỷ USD. Riêng Khối thị trường CPTPP (tính cả Nhật Bản) đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

Đánh giá về những thành công của nhóm hàng thủy sản trong năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đây là năm thành công của xuất khẩu thủy sản dù ngành hàng này phải đối mặt với nhiều biến động và khó khăn. Hệ lụy của đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản; xung đột Nga - Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022 và đạt con số trên 11 tỷ USD.

Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Đáng chú ý, với phân khúc thị trường xuất khẩu thủy sản trên thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Tạo sức bật về chất lượng

Mặc dù thành công nổi bật trong năm 2022, song để xuất khẩu thủy sản luôn là “điểm sáng” trong xuất khẩu nông sản thì ngành hàng này cần tập trung nâng cao chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn để không vi phạm các quy định về phía nhập khẩu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, để phát triển bền vững, doanh nghiệp thủy sản cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa trong sản xuất và chế biến. Đặc biệt cần tập trung cho quá trình sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của các quốc gia phát triển, đồng thời tìm kiếm cả những thị trường ngách, ít cạnh tranh để chiếm lĩnh.

Năm 2023, ngành thủy sản phấn đấu tạo ra “sức bật” mới trong xuất khẩu, tuy nhiên những biến động về chính trị, khó khăn về nguồn vốn hay nguyên liệu cho chế biến đang là những rào cản. “Với việc xuất hiện ở 160 thị trường, thủy sản Việt Nam gần như bao phủ toàn cầu, nên dù thị trường cũ hay mới cũng không xa lạ với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tập trung đối với xuất xứ hàng hóa (C/O), vì đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và cũng rất phức tạp”, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhấn mạnh.

Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất, xuất khẩu được miễn kiểm dịch. Sự tháo gỡ gánh nặng về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu cho gia công đang được các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng sẽ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ.

Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, trước những biến động thị trường, doanh nghiệp cần có giải pháp cho giai đoạn; thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhật chi tiết tình hình thị trường để có thể đón bắt kịp thời các cơ hội.

Đặc biệt, để tháo gỡ về nguồn vốn, mới đây, Chính phủ đã ban hành hàng hoạt cơ chế về tín dụng, trong đó, ưu tiên phát triển lĩnh vực nuôi, khai thác, thu mua và xuất khẩu thủy sản. Đây là động lực quan trọng để ngành hàng "tỷ đô" này tiếp tục bứt phá, tạo những kỷ lục mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.