Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh

Đỗ Minh| 29/05/2023 12:04

(HNMO) - Ngày 29-5, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, Cục đang phối hợp Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu thuỷ sản...

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho hay, trong tháng 4-2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh (53%), EU giảm 40%, Trung Quốc giảm 40%, Hàn Quốc giảm 30%, Nhật Bản giảm 15%; số ít thị trường có tín hiệu tốt trong tháng 4. Trong đó, xuất khẩu sang Anh tăng nhẹ (1%), sang Nga tăng 25%, Israel tăng 21%, Brazil tăng 5%. Trong tháng 4, các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn tăng trưởng âm: Xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất, âm 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38%, mực bạch tuộc giảm 11%.

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang giảm mạnh ở nhiều thị trường.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp thuỷ sản đang rơi vào tình trạng khó khăn bởi kết quả kinh doanh và lợi nhuận sụt giảm từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều nước lớn khiến xuất khẩu đối diện khó khăn...

Tuy nhiên, trong bức tranh màu xám của xuất khẩu thuỷ sản thì sản phẩm cá khô, cá đóng hộp trở thành điểm sáng, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn so cùng kỳ. Bộ NN&PTNT cho biết, riêng tháng 4-2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65%, đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%. 5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 56%; Nga chiếm 17%; Malaysia chiếm 8%; Hồng Kông chiếm 4%; Hàn Quốc chiếm 3%. Kết quả 4 tháng đầu năm cho thấy, chỉ có Malaysia giảm nhu cầu cá khô Việt Nam, 4 thị trường còn lại đều tăng nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc tăng tới 72%, Hồng Kông tăng 59%. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể: Đài Loan tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuana tăng 61%.

Cá khô, tôm khô đang là mặt hàng thuỷ sản được một số nước ưa chuộng.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, sản phẩm tươi, sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cần nhạy bén, bắt được xu hướng thị trường mặt hàng này. Các doanh nghiệp cần điều chỉnh giá, tập trung cung ứng sản phẩm cá cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói kèm gia vị và hướng dẫn chế biến… tạo sức hút với người tiêu dùng và tạo hướng đi mới cho sản phẩm thuỷ sản chế biến.

Bộ NN&PTNT dự báo, tình hình xuất khẩu thuỷ sản sẽ còn khó khăn do bất ổn chính trị thế giới cũng như lạm phát, do đó các doanh nghiệp cần chủ động điều tiết các mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tham tán tại nước ngoài để nắm bắt, định hướng điều chỉnh thị trường, sản phẩm phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.