Bộ NN&PTNT thông tin, xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng chính: Xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...
Theo Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nhữ Văn Cẩn, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản không đạt kế hoạch đề ra do xung đột chính trị giữa các nước. Trong đó, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông... khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại các thị trường này giảm mạnh.
Cùng với đó, giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản còn ở mức cao và chi phí logistics tăng gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ chững lại, quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam...
Theo thống kê của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2024, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho rằng sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước và xuất khẩu thủy sản chưa có chiều hướng tích cực ở năm sau. Nguyên nhân do nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục...
Để khắc phục, năm 2024, ngành Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với ước năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.
Về vấn đề thị trường, để vượt qua khó khăn, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác cần truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp trữ lượng nguồn lợi, bảo đảm an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
Đặc biệt, ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới, từ đó giúp xuất khẩu thủy sản bền vững, ổn định, tăng giá trị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.