Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 32,9%

Ánh Dương| 29/03/2023 07:26

(HNM) - Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có hơn 2.100 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt hơn 160 tỷ con; khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm là các tỉnh ở Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với 687 cơ sở sản xuất, ương dưỡng (chiếm 32,6% số cơ sở).

Hơn hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 32,9%, trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 54,9%. Bên cạnh đó, do thời tiết lạnh kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn sớm, xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 đã gây bất lợi cho tôm nuôi.

Đặc biệt, dịch bệnh bùng phát đang gây khó khăn cho sản xuất, nên năm nay, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là 750.000ha, sản lượng 1.080.000 tấn. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống cần khoảng 140-150 tỷ con.

Việc quản lý tôm giống bảo đảm chất lượng, an toàn với bệnh dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm. Do đó, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; ban hành hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ phù hợp theo đặc thù của từng khu vực. Quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm; chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở, hộ nuôi; thường xuyên kiểm soát chất lượng tôm nhập khẩu và kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng tại các cơ sở… để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 32,9%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.