Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử trí hội chứng ống cổ tay dân văn phòng thường gặp

Theo Trần Ngoan/Vnexpress| 26/11/2015 10:59

Hội chứng ống cổ tay xuất hiện khi bạn làm việc liên quan đến gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay thường xuyên như đánh máy tính, cầm điện thoại, nắm vô-lăng xe...


Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Phương, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau, tê bì của nhiều ngón và bàn tay, đôi khi có thể lan rộng lên cẳng tay hay cánh tay. Tình trạng này do dây thần kinh giữa ở cổ tay bị chèn ép gây ra.

Cấu tạo của ống cổ tay là một "lối đi" khá chật hẹp, bên trong gồm có dây thần kinh giữa, các mạch máu và các gân gấp ngón tay. Dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay qua ống cổ tay xuống đến bàn tay. Khi có sự chèn ép lên dây thần kinh giữa gây ra đau, tê bì, loạn cảm của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón nhẫn, riêng ngón út không bị ảnh hưởng.

Vị trí dây thần kinh giữ trong ống cổ tay.


Nhìn chung, tất cả các yếu tố gây kích thích hay đè ép lên dây thần kinh giữa đều có thể gây ra hội chứng ống cổ tay. Chẳng hạn như gãy các xương cổ tay có thể làm hẹp ống cổ tay và kích thích dây giữa; tình trạng phù và viêm do viêm khớp dạng thấp cũng gây hội chứng này. Trong nhiều trường hợp, không xác định được một nguyên nhân nào thì có thể do nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp.

Các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất là phù ống cổ tay, trạng thái căng lặp đi lặp lại hay các chấn thương do sử dụng tay thái quá, tuần hoàn tồi, gấp hay ngửa cổ tay quá, mất cân bằng giữa các cơ, chấn thương cổ tay gây chèn ép. Nữ giới dễ bị bệnh này hơn phái nam có thể do ống cổ tay nhỏ hơn. Tình trạng thai nghén cũng làm tăng ứ dịch, viêm các gân gây chèn ép dây thần kinh giữa. Ước tính 50% người làm việc hoặc chơi các môn thể thao có liên quan nhiều đến cổ tay sẽ bị hội chứng ống cổ tay. Một số trường hợp bị bệnh toàn thân như đái tháo đường, mãn kinh, béo phì, suy tuyến giáp và suy thận... cũng gia tăng nguy cơ bị hội chứng này.

Trong một số trường hợp, đau và tê bì có thể lan rộng ra toàn bộ bàn tay, thậm chí cổ tay và cẳng tay, một ít trường hợp đau lan qua khuỷu tay lên đến vai. Những triệu chứng thường xảy ra nặng nhất vào ban đêm có thể khiến bệnh nhân thức giấc khi ngủ. Các dấu hiệu cũng xuất hiện khi bạn làm việc gì đó liên quan đến việc gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay, chẳng hạn như nắm vô-lăng, bấm điện thoại hay sách báo, đánh máy, chơi gôn, thư ký hành chính, chơi cử tạ, thợ mộc, giết mổ thịt… Dần dần bàn tay bị yếu đi, ảnh hưởng đến vận động và dễ làm rơi đồ vật.

Các tư thế bàn tay đúng và sai khi sử dụng máy vi tính.


Bác sĩ khuyên mọi người nếu thường xuyên có một trong các các triệu chứng gợi ý của hội chứng ống cổ tay trên, nhất là khi hoạt động bình thường và giấc ngủ bị cản trở, cần đi khám chuyên khoa cơ xương khớp sớm. Nếu không điều trị triệt để có nguy cơ xảy ra tổn thương thường xuyên của dây thần kinh và các cơ.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa trên bệnh sử triệu chứng, khám thực thể để xem cảm giác các ngón tay và sức mạnh cơ bàn tay. X-quang cổ tay để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau cổ tay, chẳng hạn như viêm khớp hay gãy xương cổ tay. Bên cạnh đó cần đo điện cơ xác định tổn thương cơ và loại trừ các bệnh khác. Đo dẫn truyền thần kinh có thể phát hiện tình trạng các xung điện của dây thần kinh giữa bị chậm lại trong ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay cần được điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh nhân nên để cho tay được nghỉ thường xuyên hơn, tránh các hoạt động làm xấu thêm triệu chứng và chườm đá để giảm phù. Có thể dùng các thuốc kháng viêm không steroid, các corticosteroid tiêm tại chỗ hay dùng thuốc uống. Nẹp hay bao cổ tay cổ tay lúc ngủ hoặc khi làm việc cũng giúp cải thiện triệu chứng.

Ngoài ra còn có các phương pháp vật lý trị liệu khác như thuật bấm nắn cột sống, yoga, xoa bóp, laser, các bài tập trượt gân, các bài tập cổ tay… Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc tổn thương chèn ép thần kinh ở mức độ nặng, teo cơ nhiều, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt dây chằng ngang cổ tay để giải phóng thần kinh giữa bị chèn ép. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng nội soi hoặc mổ mở.

Bác sĩ Phương khuyến cáo phòng bệnh bằng cách thường xuyên nghỉ ngơi trong thời gian ngắn nếu phải làm việc bằng tay nhiều. Giữ cổ tay ở tư thế thư giãn trung bình là tốt nhất. Các bàn phím vi tính hoặc bảng điều khiển cần được bố trí sao cho an toàn, hiệu quả tại nơi làm việc, tốt nhất là để ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút. Dùng chuột đứng cho máy tính, giữ cho cổ tay ở một góc thích hợp. Sử dụng bao cổ tay khi cần thiết. Giữ bàn tay và cổ tay ấm khi làm việc bằng cách dùng găng tay không có ngón. Cố gắng giảm áp lực cho tay và thư giãn khi cầm nắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử trí hội chứng ống cổ tay dân văn phòng thường gặp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.