Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành chứ đừng chỉ thương hại người mắc hội chứng Down

Thu Hoài| 21/03/2023 14:38

(HNMO) – Ngày 21-3 hằng năm là Ngày Hội chứng Down thế giới. Năm nay, ngày này có chủ đề “Hãy làm cùng chúng tôi chứ không phải cho chúng tôi”, nhằm kêu gọi cộng đồng đối xử với người mắc hội chứng này theo hướng bảo đảm quyền con người cho người khuyết tật.

Tài liệu tuyên truyền của HCDC về Ngày Hội chứng Down thế giới năm 2023.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), một đứa trẻ được sinh ra với 46 nhiễm sắc thể. Tuy nhiên, trẻ mắc hội chứng Down có 47 nhiễm sắc thể, thừa một nhiễm sắc thể số 21. Điều này có thể gây ra khuyết tật về trí tuệ, não nhỏ, tầm vóc thấp, và bộ mặt đặc trưng.

Theo y văn, hầu hết những người bị Down đều suy giảm nhận thức ở các mức độ khác nhau, từ nặng (IQ 20 đến 35) đến nhẹ (IQ 50 đến 75). Vận động thô và chậm về ngôn ngữ cũng xuất hiện từ sớm. Chiều cao thường giảm, gia tăng nguy cơ bị béo phì. Khoảng 50% trẻ sơ sinh bị Down có bệnh tim bẩm sinh hoặc có bất thường hệ tiêu hoá. Nhiều người mắc bệnh nội tiết.

Khoảng 60% người bệnh có vấn đề về mắt, bao gồm đục thủy tinh thể bẩm sinh, tăng nhãn áp, lác, và các rối loạn khúc xạ. Hầu hết người bệnh bị mất thính lực và nhiễm trùng tai là rất phổ biến. Tại Mỹ, phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên có nhiều khả năng sinh con mắc hội chứng Down hơn so với những phụ nữ mang thai ở độ tuổi trẻ hơn.

Lâu nay, xã hội ứng xử với người mắc hội chứng Down như đối tượng của từ thiện, đáng được thương hại và dựa vào người khác để được hỗ trợ. Nói cách khác, nhiều người thường có quan điểm “Cho” khi trợ giúp người mắc hội chứng Down, chứ không phải “Cùng” sát cánh với họ. Điều này khiến những người mắc hội chứng Down thêm mặc cảm với bản thân mình, từ đó ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của họ.

Thông điệp “Hãy làm cùng chúng tôi chứ không phải cho chúng tôi” cho Ngày Hội chứng Down thế giới năm 2023 nhằm kêu gọi mọi người tiếp cận, trợ giúp người nhiễm hội chứng Down theo hướng quyết định và làm việc “Cùng” họ chứ không chỉ “Cho” họ. Đây được coi là cách tiếp cận người khuyết tật dựa trên quyền con người của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành chứ đừng chỉ thương hại người mắc hội chứng Down

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.