(HNMO) - Sau khi gắng sức đuổi theo xe buýt, nam bệnh nhân bị đau chân dữ dội, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội phát hiện mắc hội chứng hiếm gặp và phẫu thuật kịp thời, tránh nguy cơ cắt cụt chi.
Sáng 2-2, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, anh H (38 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng cẳng chân trái căng bóng và đau dữ dội, chạm nhẹ cũng đau. Khi vận động co duỗi các ngón chân và cổ chân, cơn đau tăng.
Trước đó vào buổi sáng, anh H gắng sức đuổi theo xe buýt cho kịp chuyến đi, cường độ vận động mạnh trong thời gian ngắn khiến cơ cẳng chân hoạt động quá sức. Áp lực tăng đột ngột gây tổn thương làm phù nề cơ khiến khoang bị chèn ép.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Tiệp, khoa Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, đây là một hội chứng tổn thương khá hiếm gặp có tên là chèn ép khoang lô cơ trước sau vận động gắng sức.
Xét nghiệm cho thấy, men cơ (Creatine-kinase) tăng cao chứng tỏ bệnh nhân đã có tình trạng hoại tử cơ. Bệnh nhân đã được chỉ định mổ cấp cứu nhằm giảm áp lực khoang. Cụ thể, các nhóm cơ bị hoại tử được loại bỏ tránh nhiễm trùng. Nhóm cơ còn khả năng phục hồi được giữ lại để bảo tồn.
Trước đó, anh H đã tới khám tại các bệnh viện lớn khác ở Hà Nội khi có biểu hiện đau chân, nhưng chưa được chẩn đoán trúng bệnh. Anh được kê thuốc điều trị nội khoa nhưng tình trạng chân sưng đau không những không thuyên giảm mà còn nặng nề hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiệp, anh H đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sau khi bị đau 23 giờ, trong khi “thời điểm vàng” để can thiệp xử trí chèn ép khoang là trước 6 giờ.
Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện chính xác bệnh ngay trên biểu hiện lâm sàng và thực hiện phẫu thuật nhanh chóng, kịp thời. Nhờ đó, phần cơ hoại tử của bệnh nhân bị cắt đi không nhiều, nhóm cơ lành được bảo tồn tối đa. Sau phẫu thuật 2 ngày, xét nghiệm men cơ giảm và về chỉ số bình thường, bệnh nhân dần hết đau chân.
Hiện, anh H trong giai đoạn phục hồi cấu trúc cơ, để phục hồi nguyên vẹn có thể mất 3-6 tháng (tùy thuộc vào thời gian can thiệp sớm hay muộn). Bệnh nhân bị cắt một phần cơ nên cơ yếu hơn bình thường, sau thời gian tập vật lý trị liệu tốt có thể chơi thể thao hoặc vận động cường độ cao trở lại.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiệp khuyến cáo, mọi người không nên có hoạt động quá gắng sức đột ngột. Nếu gặp tình trạng đau sau khi vận động gắng sức, nghỉ ngơi và dùng thuốc không đỡ, có thể nghĩ đến hiện tượng chèn ép khoang. Người bệnh nên đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sớm nhất có thể và không nên chủ quan bỏ qua “thời điểm vàng” can thiệp hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.