(HNMO) - Theo báo cáo kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ 12h00 ngày 23-3 đến 12h00 ngày 24-3, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 74 vụ vi phạm kinh doanh vật tư y tế, xử lý 18 vụ, xử phạt số tiền 65,4 triệu đồng.
Lũy kế từ ngày 31-1 đến 24-3, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 7.034 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.
Tiêu biểu trong số này là vụ việc xảy ra lúc 22h30 ngày 22-3, tại nút giao Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tổ công tác Y5/141 (Công an thành phố Hà Nội) đã kiểm tra xe tải biển kiểm soát 33H-8792 có biểu hiện nghi vấn, phát hiện trên xe chở 15 thùng carton in nhãn hiệu khẩu trang Thành Lợi. Qua kiểm đếm ban đầu, mỗi thùng carton chứa 50 hộp loại nhỏ với tổng số khoảng hơn 35.000 chiếc khẩu trang. Tài xế Nguyễn Viết Khen (sinh năm 1989, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số khẩu trang trên.
Tổ công tác đã bàn giao số hàng trên cho Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) để xử lý theo quy định.
Tính riêng trong tuần từ ngày 16-3 đến 22-3, các phòng, đội quản lý thị trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xử lý 7 vụ việc, tổng số tiền xử phạt là 18,1 triệu đồng.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các phòng, đội quản lý thị trường tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; triển khai 100% quân số phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích, tập trung kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, thịt, mỳ gói, dầu ăn…
Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá, định giá mua, bán bất hợp lý các mặt hàng y tế, lương thực, thực phẩm, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn, lưu thông hàng giả, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.