Y tế

Bộ trưởng Y tế lý giải tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Đình Hiệp 01/11/2023 - 12:03

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 1-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận liên quan đến lĩnh vực y tế, trong đó có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 1-11.

Việc đấu thầu, mua sắm thuốc được cải thiện

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực y tế của nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đối mặt nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều hạn chế. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành Y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.

dao-hong-lam.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình.

Trong bối cảnh đó, ngành Y tế đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương. Ngành Y tế đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu Chính phủ, Quốc hội giao. Trong đó, ưu tiên hàng đầu cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chiến lược trong lĩnh vực y tế để tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các cấp; tăng cường công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng của ngành...

Về khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, việc thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế là thách thức dai dẳng, không phải là hiện tượng mới. Đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người dân.

dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận sáng 1-11.

Lý giải các nguyên nhân làm tăng cao chi phí đầu vào của việc sản xuất dược phẩm, Bộ trưởng cho biết, ở Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả 3 cấp: Cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc; cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau dịch Covid-19 do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về bảo đảm nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định.

Về bảo đảm nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là trên 22.000 thuốc, trên 100.000 chủng loại trang, thiết bị y tế còn hiệu lực.

dai-bieu-2.jpg
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang, thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu song, vẫn xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10-2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ. Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu bảo đảm cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh.

nguyen-lan-hieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) tranh luận.

Tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho biết, việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối.

“Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Theo đại biểu, khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành Y tế.

Cần bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân

nguyen-tri-thuc.jpg
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý di truyền. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ đã rất đau lòng lựa chọn cứu mẹ hay cứu con, chỉ vì không khám sức khỏe tiền hôn nhân, không có kế hoạch dự phòng.

Tuy nhiên, theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và khoản 2, Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và có những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.

Bên cạnh đó, trước tình trạng người dân mắc bệnh ung thư gia tăng, nhưng số máy xạ trị mới đáp ứng 60%, đặc biệt, Việt Nam chưa có máy xạ trị proton, giúp giảm tối thiểu tổn thương mô lành xung quanh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư 2 trung tâm điều trị xạ trị bằng proton ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

nguyen-thi-dung.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) phát biểu.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Bối cảnh tương lai cho thấy vẫn sẽ có sự thiếu hụt nhân lực y tế, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, các trường đào tạo y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành Y tế.

Đại biểu cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay. Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa bảo đảm, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên.

Vì thế, đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026. Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế lý giải tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.