(HNMO) - Phát biểu tại lễ kỷ niệm 27 năm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12/1992 - 3/12/2019) diễn ra chiều 3-12 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật vào năm 2014 đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm xóa bỏ những trở ngại, rào cản đối với người khuyết tật.
Tại sự kiện do Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, các cơ quan chức năng đã và đang từng bước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật trợ giúp người khuyết tật theo hướng tiếp cận nhân văn; tạo ra cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật vươn lên.
Nhận được sự trợ giúp về nhiều mặt, không ít người khuyết tật ở nước ta đã tỏa sáng trong đời sống xã hội bằng tâm hồn, trái tim, khối óc, nghị lực và sự cống hiến của bản thân họ. Tuy vậy, việc triển khai chính sách trợ giúp người khuyết tật có chỗ, có nơi chưa đạt kết quả như mong muốn. Đáng lưu ý là mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật chậm được điều chỉnh; việc huy động các nguồn lực xã hội để trợ giúp người khuyết tật chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để người khuyết tật phát huy tốt năng lực, sở trường, chủ động vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập xã hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai yêu cầu các cơ quan hữu quan tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật vào chiến lược phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của người khuyết tật hoạt động hiệu quả…
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, bằng 7,06% dân số cả nước. Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp giấy xác nhận tình trạng khuyết tật cho hơn 1,5 triệu người; giải quyết chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng cho khoảng 1,1 triệu người. Riêng năm 2019, ngân sách nhà nước đã bố trí cho các địa phương hơn 17.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật.
Cùng với nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của nhóm người yếu thế. Nổi bật là Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã huy động hàng tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ hơn 4 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.