Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thêm sản phẩm du lịch liên kết giữa Gia Lai - Hà Nội

Hoàng Lân| 24/11/2022 16:33

(HNMO) - Ngày 24-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai tại Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác trong quản lý nhà nước, công tác quảng bá giữa Gia Lai và Hà Nội. Hội nghị cũng giúp cho hơn 80 đơn vị lữ hành của Hà Nội và Gia Lai nhìn nhận những giá trị, tiềm năng mới của du lịch Gia Lai để xây dựng sản phẩm mới sau dịch Covid-19.

Quang cảnh hội nghị.

So với nhiều tỉnh của Tây Nguyên, Gia Lai có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với hệ thống sông, suối xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh. Cùng với đó là nền văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc địa phương, mà chủ yếu là Jrai, Bahnar, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, lễ hội truyền thống, trang phục và nhạc cụ… Đặc biệt, có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Bên cạnh đó, Gia Lai có các khu di tích lịch sử văn hóa như khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo, làng kháng chiến Stơr, đền tưởng niệm và tượng đài chiến thắng Đak Pơ, di tích khảo cổ học Gò Đá và Rộc Tưng. Với việc sở hữu cảng hàng không Pleiku, giao thông kết nối đến Gia Lai cũng là một trong những lợi thế lớn so với các địa phương khác trong việc thu hút khách du lịch. 

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng, để thu hút khách du lịch, những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang nét đặc trưng của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được duy trì thường xuyên qua các năm như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Pleiku), “Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện), Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai), Ngày hội du lịch huyện Kbang… Những hoạt động này góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới cho Gia Lai. Lượng du khách từ Thủ đô Hà Nội đến Gia Lai ngày một tăng. 

Gia Lai có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế của du lịch Gia Lai, nhiều năm qua, các đơn vị lữ hành của Hà Nội đã khai thác các tour, tuyến du lịch mới đưa khách du lịch tới Gia Lai. Thành phố Hà Nội và tỉnh Gia Lai đã có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Cụ thể, tháng 5-2017, tại thành phố Đà Lạt, Sở Du lịch Hà Nội đã ký biên bản hợp tác phát triển du lịch với sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk giai đoạn 2017-2020. Đầu năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội có đoàn khảo sát các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để tạo hiệu quả cho việc tăng cường liên kết du lịch giữa Hà Nội và Gia Lai.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, hai cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch hai địa phương; tiếp tục tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương tới thị trường khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các phương tiện, các kênh truyền thông.

“Hiệp hội du lịch, các câu lạc bộ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các địa phương tích cực trong hoạt động phát triển du lịch do hai địa phương triển khai, tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát (fam) để phát triển, kết nối tuyến Hà Nội - Gia Lai, Gia Lai - Hà Nội và các địa phương lân cận”, ông Trần Trung Hiếu gợi ý.

Thác Phú Cường, một điểm đến hấp dẫn của Gia Lai.

Nhận định tiềm năng du lịch lớn trong hoạt động liên kết giữa Hà Nội và Gia Lai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, Hà Nội và Gia Lai là hai điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. Việc hai địa phương bắt tay nhau liên kết hợp tác để phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới là cơ hội để phục hồi ngành du lịch.

“Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, triển khai mối liên kết, đòi hỏi hai địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thay đổi của du khách”, ông Hà Văn Siêu lưu ý.

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch Hà Nội và Gia Lai cam kết sẽ hỗ trợ trong việc quảng bá, xây dựng tour, tuyến du lịch thường xuyên để tăng lượng khách hai chiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thêm sản phẩm du lịch liên kết giữa Gia Lai - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.