Du lịch

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang:Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng sức hút với du khách

Hoàng Quyên 14/04/2024 - 06:22

Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và du lịch hè là một trong những “mùa vàng” của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng. Đây là cơ hội để ngành Du lịch xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tăng sức hút và giữ chân du khách.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về các kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá, tổ chức sự kiện để thu hút du khách trong dịp này.

du-1.jpg
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang.

Kích cầu du lịch ngoại thành

- Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày. Đồng chí đánh giá cơ hội và sức hút của du lịch Thủ đô trong kỳ nghỉ lễ này như thế nào?

- Trong các kỳ nghỉ lễ, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân sẽ tăng cao. Đây là cơ hội lớn của ngành Du lịch gia tăng lượng khách. Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn là “nguồn khách” lớn phân phối cho các địa phương.

Do đó, thời điểm này cũng được xem là dịp để du lịch Thủ đô triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn, tăng sức hút với du khách. Năm ngoái Thủ đô đón 719 nghìn lượt khách đến vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Năm nay, du lịch Hà Nội kỳ vọng đón khoảng 900 nghìn lượt khách.

- Là trung tâm du lịch lớn nhất của nước, ngành Du lịch Thủ đô làm gì để thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ dài này, thưa đồng chí?

- Vào tháng 3 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024”, kích hoạt chuỗi hoạt động trên 50 sự kiện du lịch trong đầu năm 2024. Với riêng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, chuỗi chương trình quảng bá, xúc tiến và kích cầu du lịch được thực hiện rất bài bản.

Cụ thể, tại Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024, ngành Du lịch Thủ đô tập trung quảng bá hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn. Cũng trong dịp này, Hà Nội đã ra mắt sản phẩm du lịch mới “Con đường di sản Nam Thăng Long” kết nối tuyến du lịch Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.

Bên cạnh đó, cuối tháng 4, Hà Nội cũng tổ chức sự kiện Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”, trong đó giới thiệu rất nhiều sản phẩm du lịch kích cầu tới du khách khi đến Hà Nội. Đồng thời, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền.

- Trong các kỳ nghỉ lễ, Tết, lượng khách đến Hà Nội khá đông, nhiều nơi quá tải. Đồng chí có thể cho biết, ngành Du lịch Thủ đô có những giải pháp gì để bảo đảm đáp ứng các dịch vụ một cách tốt nhất?

- Chúng tôi luôn yêu cầu các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến phải có những giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, tổ chức khu vực trông giữ xe, nghỉ chân cho du khách phù hợp.

Năm nay, để tránh tình trạng quá tải, cũng như giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ, chất lượng, Hà Nội đã tăng cường quảng bá nhiều điểm đến ở ngoại thành như: Ba Vì, Sóc Sơn, Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), Di tích Cổ Loa (Đông Anh), làng tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), khu vui chơi giải trí Tuần Châu (Quốc Oai)... Trong suốt kỳ nghỉ lễ, Sở Du lịch luôn có bộ phận thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh, hỗ trợ du khách, xử lý những vi phạm trong hoạt động du lịch.

- Hiện nay, giá vé máy bay tăng cao đang là vấn đề lớn của hoạt động kích cầu du lịch nội địa, Du lịch Hà Nội có kế hoạch thu hút du lịch ra sao?

- Giá vé máy bay tăng cao là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội, nhất là du khách từ các tỉnh miền Trung, miền Nam. Tuy nhiên, tôi nhận định, đây cũng là cơ hội cho ngành Du lịch Thủ đô khi một lượng lớn du khách Hà Nội và ở khu vực miền Bắc sẽ ưu tiên chọn lựa các điểm đến gần, trong đó có Hà Nội để nghỉ lễ. Chúng tôi dự kiến trong quý II-2024, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu du lịch, lượng khách nội địa đến Hà Nội sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như trong quý I-2024.

du-2.jpg
Du khách tham quan Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

Thu hút đa dạng các nguồn khách du lịch quốc tế

- Đón du lịch hè, ngành Du lịch Thủ đô đã chuẩn bị những sản phẩm du lịch mới, khác biệt nào để hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế, thưa đồng chí?

- Đối với với giai đoạn mùa hè, ngành Du lịch Thủ đô xác định tập trung cho một số nhóm sản phẩm chủ lực, tạo điểm nhấn riêng biệt của du lịch Thủ đô.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch văn hóa, trong đó phát triển các tour đêm; xây dựng các tuyến du lịch đường sông kết nối điểm đến làng nghề, di tích văn hóa; mở rộng tuyến xe buýt 2 tầng kết nối khu vực nội thành với các điểm đến khu vực ngoại thành.

Thứ hai, phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch homestay.

Thứ ba, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thể thao gắn với các giá trị tài nguyên sông, núi, hồ như: Du lịch chèo thuyền, kayak tại khu vực hồ Tây, hồ Đồng Mô, hồ Đồng Quan; phát triển sản phẩm du lịch leo núi, đạp xe đạp tại khu vực Sóc Sơn, Ba Vì; sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm: Zipline, bay khinh khí cầu, bắn cung tại Long Biên, Ba Vì, Sóc Sơn…

- Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực hướng đến du lịch bền vững, trong đó nhấn mạnh vào du lịch xanh, du lịch sinh thái... Du lịch Hà Nội sẽ tập trung vào những yếu tố nào để phát triển bền vững?

- Từ lâu, du lịch Hà Nội luôn đề cao phát triển du lịch xanh. Đã có rất nhiều sản phẩm du lịch xanh ra mắt trong thời gian qua như trải nghiệm xe điện trong lòng phố cổ, tour đạp xe... Bên cạnh đó, du lịch sinh thái cũng đang là dòng sản phẩm được đẩy mạnh gắn với du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe. Ngành Du lịch luôn tập trung vào yếu tố bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa và yếu tố cộng đồng người dân tham gia làm du lịch để phát triển du lịch bền vững.

- Có thực tế là lượng khách quốc tế đang tăng cao nhưng doanh thu chưa như kỳ vọng. Theo đồng chí đâu là nguyên nhân của việc này? Cần giải pháp gì để thu hút khách du lịch quốc tế chịu chi trả cao hơn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung?

- Đây là thực tế đang xảy ra ở nhiều nước, không riêng gì Việt Nam và Hà Nội. Sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch của du khách đã thay đổi. Với những khó khăn còn hiện hữu như xung đột chiến tranh, kinh tế thế giới lao đao thì những chi tiêu cho hoạt động du lịch cũng bị giảm sút. Du khách chuyển sang du lịch tiết kiệm, đi theo nhóm nhỏ, đi gần. Trong bối cảnh này, để thu hút du khách nhiều hơn, ngành Du lịch phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh, mang đến những giá trị khác biệt, độc đáo, hấp dẫn.

- Năm nay, du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón khoảng 27 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Từ nay đến hết năm, ngành Du lịch sẽ triển khai những giải pháp gì để nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra?

- Du lịch Thủ đô sẽ phát triển đa dạng các nguồn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch đi bằng đường bộ, đường tàu hỏa, đường sông…; qua đó mở rộng thị trường, tạo thêm các hướng đi mới cho du lịch nội địa dịp hè năm 2024. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm và thị trường mới nổi như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, Australia…

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó, ưu tiên tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng chú trọng truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và các kênh truyền thông quốc tế, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, TikTok…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng sức hút với du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.