Ngành Ngân hàng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định và kỳ vọng sẽ đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Sáng 8-5, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự.
Tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng đã nỗ lực chuyển đổi số và đạt được nhiều thành quả quan trọng, như: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số...
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng có hơn 95% giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động và QR code bình quân các năm 2017-2023 đạt trên 100%/năm.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VND/ngày (tương đương 40 tỷ USD). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Các công nghệ số mới được ứng dụng phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Việt Nam đã kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong, ngoài khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí cao với chủ đề của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn cho Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 là "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số".
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết hoạt động quản lý nhà nước về ngân hàng, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, đạt được kết quả quan trọng.
Trong đó, phát triển các dịch vụ không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng; tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành Ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06.
Biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng, như: Vướng mắc về thể chế; hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức; các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin...
Từ thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra 4 bài học kinh nghiệm, 3 mục tiêu, 5 quan điểm và 5 “đẩy mạnh” trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, trong quý II-2024, cần cố gắng hoàn thành và trình Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu, ngành Ngân hàng phát triển hạ tầng số, các hệ thống thông tin, dữ liệu số tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn.
Thủ tướng cũng lưu ý coi trọng tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra các hoạt động trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ; tham luận của các tổ chức tín dụng, công ty trung gian thanh toán, chuyên gia công nghệ…
Đặc biệt, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi chuyên sâu về công nghệ và hệ sinh thái chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Chiều 8-5, tiếp tục hoạt động tại sự kiện, hội thảo chuyên đề lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.