(HNM) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được một chặng đường không phải ngắn khi chỉ còn ít ngày nữa là tròn 10 năm thực hiện Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31-7-2009, Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động. Trong chặng đường vừa qua, có nhiều cái được, và cả những tồn tại, rất đáng để suy ngẫm về vai trò, vị thế, sức lan tỏa cũng như khả năng chiếm lĩnh thị trường của hàng Việt…
Cái được đầu tiên (như đã đánh giá và thừa nhận với các tiêu chuẩn ISO hoặc tương đương trong và ngoài nước) là hàng Việt đã chứng minh được chất lượng, uy tín, thương hiệu. “Hữu xạ tự nhiên hương”, uy tín hàng Việt còn được hỗ trợ bởi các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại. Đó là những điều kiện “cần” và “đủ” để có được những đánh giá và thừa nhận tích cực ở góc độ thị trường. Cùng với kênh phân phối truyền thống, ở kênh phân phối hiện đại với những đặc trưng như quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp, có tính kết nối với độ mở cao nhờ vào quá trình hội nhập, hàng Việt có vị trí đáng chú ý. Như đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là: Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các kênh siêu thị hiện lên đến 90%.
Đây cũng là con số được một số đại diện nhà phân phối nội địa xác nhận. Với một thị trường hơn 90 triệu dân, đây là thành tựu rất ý nghĩa trong thực hiện cuộc vận động nói riêng, trong nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh thị phần, khẳng định vị thế của hàng Việt, qua đó góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Dù vậy, cũng dễ nhận thấy những cái “chưa được”, đó là: Những “vấn đề cố hữu” chưa được khắc phục như mẫu mã, chủng loại hàng Việt chưa thực sự đa dạng, phong phú; khả năng cạnh tranh chưa cao; thiếu những thương hiệu có sức lan tỏa, đặc biệt là nhìn ở góc độ xuất khẩu… Trong khi đó, không ít doanh nghiệp còn lối tư duy manh mún, chộp giật. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập một mặt mở ra cơ hội, nhưng cũng gắn liền với đó là không ít rào cản mới bởi các cam kết (từ việc tham gia WTO đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) đã và đang tạo thuận lợi cho hàng hóa nước ngoài tràn vào nước ta…
Đưa hàng Việt vào các kênh phân phối lớn rõ ràng là vấn đề nhiều trăn trở không chỉ bởi kênh phân phối này chưa thực sự phát triển ở nước ta mà còn bởi có nhiều tiêu chuẩn cao hơn chợ truyền thống. Ngoài ra, hàng Việt còn phải chịu sự cạnh tranh hết sức gay gắt của hàng hóa cùng loại nhập khẩu... Cốt lõi nằm ở chính các doanh nghiệp. Những ví dụ sau rất đáng để tham khảo: Tại sao người Hàn Quốc mặc nhiên sử dụng thiết bị điện tử của Samsung, LG, ô tô của Kia, Hyundai... những thương hiệu trong nước sản xuất? Trên các đường phố của xứ sở Kim chi, rất hiếm thấy thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là các dòng sản phẩm phổ biến. Rồi tại sao người Nhật Bản thay vì Mercedes, Audi..., hầu như chỉ sử dụng ô tô Toyota; thay vì sử dụng các thiết bị điện tử, điện lạnh của Mỹ, châu Âu, người dân đất nước Mặt trời mọc chỉ trung thành với Sony, Mitsubishi...? Điều đó là do chất lượng sản phẩm, uy tín của thương hiệu nội địa mỗi nước. Cho nên, trước hết doanh nghiệp phải chủ động sản xuất sản phẩm chất lượng, cung cấp dịch vụ chất lượng để chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Làm được điều đó, doanh nghiệp mới tận dụng hiệu quả lợi thế nhà sản xuất tại chỗ mà bài học từ việc chuỗi siêu thị Big C qua một số lần mua đi, bán lại, dù chủ sở hữu là người Thái hay người Pháp thì tỷ lệ hàng Việt Nam - với lợi thế sản xuất tại chỗ - vẫn rất cao là thông tin đáng lưu ý.
Hàng Việt vào các kênh phân phối lớn cũng là điều kiện để hàng Việt - từ mục tiêu để người tiêu dùng trong nước ưu tiên sử dụng - sẽ tiến đến chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, nhờ lợi thế chất lượng, dịch vụ và nhất là lòng tự hào dân tộc.
Ở góc độ “bà đỡ”, mỗi cơ chế, chính sách từ phía cơ quan quản lý đều sẽ tạo những hiệu ứng sâu rộng, miễn là ở các khía cạnh kỹ thuật lẫn thực tế, những cơ chế, chính sách đó không vi phạm các cam kết mà chúng ta đã tham gia. Đó là việc tăng cường các giải pháp như hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm; ưu tiên doanh nghiệp Việt tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, làng nghề…
Các kênh phân phối lớn không chỉ trên thị trường nội địa. Cái đích xa hơn là các nhà phân phối lớn ở nước ngoài như Casino (Pháp), Metro Cash&Carry và Sehrgros (Đức), Makro (Séc), Coop, Conad (Italia)… đã và đang triển khai thời gian qua. Qua đó, dấu hiệu nhận diện thương mại "made in Vietnam" không chỉ ở những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản... mà cần mở rộng sang những ngành hàng mới.
Đó chính là con đường để hàng Việt xuất hiện nhiều hơn ở các kênh phân phối lớn, và vững vàng trong cuộc chơi lớn giờ đã mang tính toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.